Giáo dục tài chính cho trẻ em hướng tới phổ cập tài chính quốc gia
Một trong 3 yếu tố trụ cột của
chiến lược phổ cập tài chính
quốc gia là giáo dục tài chính
và bảo vệ người tiêu dùng.
Mục tiêu của trụ cột này là
hình thành những người tiêu
dùng tài chính có khả năng sử
dụng, đánh giá các sản phẩm,
dịch vụ tài chính và thiết lập
một hệ thống luật định để đảm
bảo người tiêu dùng được đối
xử công bằng trong giao dịch
tài chính và có thể tiếp cận
những thông tin cần thiết về
sản phẩm/dịch vụ tài chính.
Để đạt được mục tiêu đó,
ngoài việc cập nhật kiến thức
tài chính cho bộ phận người
trưởng thành thì giáo dục tài
chính cho trẻ em là việc làm
cần được quan tâm càng sớm
càng tốt. Trẻ em lớn lên trong
một thế giới ngày càng phức
tạp và dù ở đâu thì cuối cùng
cũng phải chịu trách nhiệm về
tương lai tài chính khi còn trẻ
(OECD, 2005).
Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo dục tài chính cho trẻ em hướng tới phổ cập tài chính quốc gia
11 © Học viện Ngân hàng ISSN 1859 - 011X Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 191- Tháng 4. 2018 Giáo dục tài chính cho trẻ em hướng tới phổ cập tài chính quốc gia CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH- TIỀN TỆ Trịnh Thị Phan Lan Ngày nhận: 28/120/2017 Ngày nhận bản sửa: 24/01/2018 Ngày duyệt đăng: 23/04/2018 Hướng tới Chiến lược quốc gia về phổ cập tài chính toàn diện1, bài viết dưới đây thảo luận về tầm quan trọng và lợi ích của việc giáo dục tài chính từ sớm cho trẻ; đồng thời nhấn mạnh vai trò đồng hành của nhà trường và bố mẹ tại gia đình. Thông qua đó, bài viết cũng đưa ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, liên quan đến giáo dục tài chính cho trẻ em. Từ khóa: giáo dục tài chính, hiểu biết tài chính, tài chính toàn diện 1. Đặt vấn đề háng 10/2013, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra mục tiêu toàn cầu về quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản của người dân, qua đó, người dân ở bất cứ nơi đâu đều có quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính mà họ cần để nắm bắt các cơ hội và giảm thiểu tổn thương. Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về phổ cập tài chính toàn diện đã được xây dựng. Một trong 3 yếu tố trụ cột của chiến lược phổ cập tài chính quốc gia là giáo dục tài chính và bảo vệ người tiêu dùng. Mục tiêu của trụ cột này là hình thành những người tiêu dùng tài chính có khả năng sử dụng, đánh giá các sản phẩm, dịch vụ tài chính và thiết lập một hệ thống luật định để đảm bảo người tiêu dùng được đối xử công bằng trong giao dịch tài chính và có thể tiếp cận những thông tin cần thiết về sản phẩm/dịch vụ tài chính. Để đạt được mục tiêu đó, ngoài việc cập nhật kiến thức tài chính cho bộ phận người trưởng thành thì giáo dục tài chính cho trẻ em là việc làm cần được quan tâm càng sớm càng tốt. Trẻ em lớn lên trong một thế giới ngày càng phức tạp và dù ở đâu thì cuối cùng cũng phải chịu trách nhiệm về tương lai tài chính khi còn trẻ (OECD, 2005). 2. Lợi ích của việc giáo dục tài chính cho trẻ em từ sớm Thực tế đã chứng minh rằng, cần dạy trẻ em hiểu về tài chính ngay từ sớm, với những lý do sau đây: - Thế giới ngày càng phát 1 Trong năm 2017, Bộ Tài chính đã cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lựa chọn chủ đề tài chính toàn diện là một trong số các chủ đề ưu tiên để thảo luận, hướng tới các hành động chung trong Diễn đàn APEC. Chủ đề này nhận được sự ủng hộ của các quốc gia thành viên xuất phát từ ý nghĩa hết sức lớn lao đối với sự phát triển bền vững, đặc biệt đối với Việt Nam CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ 12 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàngSố 191- Tháng 4. 2018 triển, độ tuổi tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngày càng trẻ. Thực tế ngày càng phổ biến là trẻ em có tài khoản tiết kiệm hoặc sử dụng điện thoại thông minh (có các lựa chọn thanh toán) thậm chí trước khi chúng bước vào độ tuổi thanh thiếu niên. Có tới 96% người trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên tại nước Anh lo lắng về vấn đề tiền bạc, nhưng có tới 52% trong số họ mắc nợ ở độ tuổi 17 (OECD, 2005). - Một vấn đề mà rất nhiều cha mẹ cũng như con cái gặp phải đó là: Liệu có nên đầu tư cho việc tiếp tục học đại học và các bậc học cao hơn? Khoảng cách giữa người có trình độ đại học và không có trình độ đại học tạo ra sự khác biệt đáng kể trong thu nhập khiến hầu hết những đứa trẻ muốn vào đại học. Tuy nhiên, chi phí cho việc học hành trên giảng đường đại học cũng tăng lên, vô hình chung tạo áp lực tài chính cho các gia đình, thậm chí tạo ra các khoản nợ (Smithers, 2010; Bradley, 2012; Ratcliffe and McKeman, 2013). - Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc đào tạo tài chính cá nhân cho người lớn tại nơi làm việc hay các kênh khác khá hạn chế do bản thân họ chưa được trang bị các kiến thức tài chính phù hợp trước đó. Bởi vậy, không bao giờ là quá sớm khi dạy con về giá trị của đồng tiền hay sự khác nhau giữa nhu cầu và ước muốn hoặc ý nghĩa của việc tiết kiệm tiền. Trẻ em thời hiện đại cần phải hiểu biết và trở thành một người “thông minh về quản lý tài chính”, như N. S. Godfrey (2006) lưu ý, khi những đứa trẻ bắt đầu nhận thức được thế giới của mình, chúng nhận thức được tiền bạc. Như đã đề cập ở trên, hiểu biết tài chính được coi như một kỹ năng cần thiết của cuộc sống. Tại Hoa Kỳ, các chính sách nhằm nâng cao chất lượng của việc ra quyết sách tài chính cá nhân thông qua giáo dục tài chính kéo dài ít nhất đến những năm 50 và 60 khi các bang bắt đầu cho phép đưa các vấn đề về tài chính cá nhân, kinh tế và các chủ đề giáo dục người tiêu dùng khác vào chương trình giáo dục K-12 (Bernheim et al 2001, trích dẫn bởi Alexander 1979, Hội đồng chung về Giáo dục Kinh tế 1989, và Liên minh Toàn quốc về Giáo dục Người tiêu dùng năm 1990). Phù hợp với thực tế đó, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy tầm quan trọng và lợi ích của giáo dục tài chính sớm. Các nghiên cứu được tiến hành bởi Viện Nghiên cứu Chính sách Công (IPPR) ở Hoa Kỳ đã cho thấy rằng, trẻ em tham dự các bài học về tài chính cá nhân sẽ giàu có hơn 30.000 USD so với những người bạn học của họ- những người không theo học các chương trình như vậy- khi họ bước vào độ tuổi 40. Nghiên cứu của Hiệp hội Bảo hiểm giáo viên và niên kim- Viện nghiên cứu quỹ hưu trí cao đẳng (TIAA- CREF) đã chỉ ra rằng, những người ít hiểu biết về tài chính tích lũy tài sản tài chính ít hơn, vay nhiều hơn, trả lệ phí cao hơn, và ít có khả năng đầu tư hơn trong suốt cuộc đời của họ. Nghiên cứu của OECD (2005a) về “Cải thiện hiểu biết về Tài chính” đã chỉ ra rằng trong thế giới toàn cầu hóa hiện đại, nếu thiếu vắng giáo dục tài chính, lớp trẻ có khả năng rơi vào phá sản nhiều hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy việc học các kiến thức tài chính là suốt đời. Gần đây, nghiên cứu của OECD (2014) được tiến hành theo Chương trình PISA dành cho trẻ em trong độ tuổi 15 đã chỉ ra rằng, chỉ có 10% trong số 50 trẻ em có thể phân tích các sản phẩm tài chính phức tạp và giải quyết không thường xuyên vấn đề tài chính, trong khi 15% có thể có những quyết định đơn giản về chi tiêu và xử lý hóa đơn hàng ngày. Hơn nữa, dạy trẻ em về tài chính mang lại lợi ích lâu dài cho trẻ (Danes and Dunrud, 2008). Những thói quen và cách thức tiêu tiền hay tiết kiệm lúc còn trẻ có thể hỗ trợ tốt cho bất kỳ ai khi về già. 3. Giáo dục tài chính cho trẻ em như thế nào? 3.1. Khái niệm Giáo dục tài chính và hiểu biết tài chính a. Khái niệm Giáo dục tài chính Hiện nay, có khá nhiều khái niệm liên quan đến giáo dục tài chính. UNICEF (2012) đưa ra khái niệm khá đơn giản: “Giáo dục tài chính bao gồm cả hiểu biết tài chính và năng CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ 13Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 191- Tháng 4. 2018 lực tài chính”. Theo CYFI (2016), giáo dục tài chính cung cấp kiến thức, kỹ năng và sự tự tin, trong đó: - “Kiến thức” nghĩa là có hiểu biết về các vấn đề tài chính cá nhân. - “Kỹ năng” nghĩa là khả năng áp dụng những kiến thức tài chính để quản lý tài chính cá nhân. - “Tự tin” nghĩa là có thể đưa ra quyết định độc lập và chắc chắn liên quan đến vấn đề tài chính cá nhân. b. Hiểu biết tài chính Robb, Babiarz và Woodyard (2012) cho rằng, hiểu biết về tài chính liên quan đến khả năng hiểu thông tin tài chính và đưa ra các quyết định hiệu quả bằng cách sử dụng các thông tin đó, trong khi giáo dục tài chính là nhắc lại kiến thức tài chính. Một định nghĩa phù hợp với ý tưởng này được OECD đề xuất, trong đó hiểu biết tài chính được định nghĩa là tổng hợp nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi tài chính cần thiết để có thể đưa ra các quyết định tài chính lành mạnh và cuối cùng đạt được lợi ích tài chính (OECD, 2012). Do đó, OECD giải quyết vấn đề tài chính trong ba khía cạnh: Kiến thức tài chính, hành vi tài chính và thái độ tài chính. Bài viết này dựa theo quan điểm sự hiểu biết về tài chính của OECD, được sử dụng rộng rãi hiện nay (Atkinson & Messy, 2012), ở đó sự hiểu biết về tài chính được định nghĩa là sự kết hợp của hành vi tài chính, kiến thức về tài chính và thái độ tài chính. Như vậy, hiểu biết tài chính có thể coi là kết quả của giáo dục tài chính. Nhờ có giáo dục tài chính, con người mới hiểu biết tài chính. Thông qua hiểu biết tài chính, giáo dục tài chính thể hiện vai tṛò quan trọng đối với việc thúc đẩy phổ cập kiến thức tài chính ở mỗi quốc gia. 3.2. Giáo dục tài chính cho trẻ em tại nhà trường Nghiên cứu của William B. Walstad và cộng sự (2010) đã điều tra tác động của một chương trình giáo dục tài Bảng 1. Một số khái niệm về hiểu biết tài chính Khái niệm về hiểu biết tài chính Các khía cạnh của khái niệm Tác giả Là hiểu biết về tài chính và khả năng áp dụng những khái niệm đó và tự tin đưa ra các quyết định tài chính. Kiến thức tài chính và ứng dụng kiến thức tài chính. Huston (2010) Là khả năng sử dụng kiến thức và kỹ năng để đạt được kỹ năng quản lý tài chính tốt hơn. Kiến thức tài chính và kỹ năng Hung, Parker and Yoong (2009) Là khả năng hiểu các thông tin tài chính và sử dụng những thông tin tài chính này để ra các quyết định hiệu quả. Hiểu và đưa ra quyết định tài chính Robb, Babiarz and Woodyard (2012) Nó vượt qua ý tưởng ban đầu về giáo dục nơi mà ảnh hưởng của kiến thức tài chính tới hành vi thông qua thái độ tài chính. Kiến thức, hành vi, thái độ Norvilitis and MacLean (2010) Là việc lựa chọn các phương án khác nhau để thiết lập các mục tiêu tài chính. Lựa chọn hiệu quả Criddle (2006) Là việc đưa ra các quyết định tài chính. Quyết định tài chính Remund (2010) Nguồn lực cụ thể của con người được đo lường bằng các vấn đề chính. Kiến thức tài chính Robb and Sharpe (2009) Đo bằng một bộ câu hỏi đo các khái niệm tài chính cơ bản, như lãi suất, lạm phát và đa dạng hóa rủi ro. Kiến thức tài chính Lusardi and Mitchell (2014) Bao gồm thông tin về tài chính trong ba khía cạnh: kiến thức tài chính, hành vi tài chính và thái độ tài chính. Kiến thức tài chính, hành vi và thái độ Atkinson and Messy (2012); OECD (2013) Nguồn: Robb, C. A., Babiarz, P., & Woodyard, A. (2012) CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ 14 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàngSố 191- Tháng 4. 2018 chính đối với kiến thức về tài chính cá nhân của học sinh trung học. So sánh điểm trước và điểm sau của bài kiểm tra khi thực hiện chương trình “Financing your future” đã chứng minh sự cải thiện đáng kể về kiến thức tài chính của học sinh. Khảo sát cho thấy, một chương trình giáo dục tài chính được xác định và thực hiện tốt có thể ảnh hưởng tích cực và đáng kể đến kiến thức tài chính của học sinh trung học. José Manuel Cordero và cộng sự (2016) đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu xem, liệu việc triển khai các khóa học chuyên sâu về các khái niệm tài chính cơ bản ở trường học có ảnh hưởng đáng kể đến việc các sinh viên có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng vào các tình huống tài chính thực tế. Nghiên cứu này khai thác tập hợp dữ liệu so sánh về các quốc gia tham gia đánh giá tài chính PISA 2012, bao gồm 18 trong số 70 nước tham gia vào làn sóng của PISA. Kết quả cho thấy rằng, các khóa học như vậy có một ý nghĩa quan trọng và tích cực, ảnh hưởng đến thành tích học sinh bất kể chiến lược nào được áp dụng để dạy học sinh các khái niệm tài chính. Năm 2005, OECD khuyến nghị giảng dạy về tài chính nên bắt đầu càng sớm càng tốt và cần được đưa vào giảng dạy tại trường như là một phần của khung chương trình. Giáo dục tài chính là quá trình lâu dài. Việc giáo dục tài chính từ sớm giúp cho trẻ nắm bắt được kiến thức và kỹ năng để chịu trách nhiệm về hành vi chi tiêu của mình. Điều này vô cùng quan trọng khi mà phụ huynh thường chưa được trang bị đầy đủ để dạy cho con cái của họ về tiền bạc. Robert Kiyosaki, tác giả của cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” đã nói: “Một trong những lý do khiến người giàu giàu hơn, người nghèo trở nên nghèo hơn và người trung lưu thì mắc kẹt giữa nợ nần là bởi môn học giáo dục tài chính được cho là cần dạy ở nhà, chứ không phải ở trường”. Giáo dục tài chính ở trường học nên là một phần của chiến lược tài chính quốc gia. Nên có một khuôn khổ học tập nhằm đưa ra các mục tiêu, kết quả, nội dung, cách tiếp cận, nguồn lực và kế hoạch đánh giá. Nội dung phải bao gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị. Trong phạm vi có thể, cần xác định một nguồn tài trợ bền vững ngay từ đầu. Giáo dục tài chính nên là một phần cốt lõi của chương trình giảng dạy tại trường. Giáo viên cần được đào tạo và nhận thức được tầm quan trọng của việc hiểu biết về tài chính và được trang bị các phương pháp sư phạm có liên quan. Họ cũng cần được hỗ trợ liên tục và đào tạo để giảng dạy hiểu biết tài chính. 3.3. Giáo dục tài chính cho trẻ em tại nhà và ảnh hưởng của cha mẹ Một số nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về ảnh hưởng của cha mẹ đối với kiến thức, thái độ và hành vi của Bảng 2. Danh sách một số trường phổ thông trung học trên thế giới dạy tài chính cá nhân cho trẻ em Tên môn học Cơ sở đào tạo Website Personal Finance Cannon Falls High School https://sites.google.com/a/cf.k12.mn.us/business-education/home/ personal-finance-syllabus Personal & Financial Management Olathe North High School Business.Personal-Finance-Pollom.pdf Personal Finance Senior high school Personal Finance Wilby High School personal%20finance%20-%20syllabus-%20d%27agostino. pdf?id=552054 Personal Finance Westside High School https://www.education.ne.gov/wp-content/uploads/2017/07/Katie- Harmon_Omaha-Westside_Personal-Finance-course-syllabus.pdf Nguồn: Tác giả tổng hợp CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ 15Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 191- Tháng 4. 2018 người trẻ, như Clarke et al. (2005), Allen et al. (2007), Jorgensen và Savla (2010) và Altintas (2011). Bên cạnh đó, Jorgensen và Savla (2010) kết luận rằng nhiều bậc cha mẹ không dạy con mình kiến thức tài chính. Trên cơ sở một cuộc khảo sát được tiến hành ở các sinh viên đại học Thổ Nhĩ Kỳ, Altintas (2011) đánh giá mức độ hiểu biết của sinh viên và tiết lộ những đặc điểm chính ảnh hưởng đến khả năng hiểu biết về tài chính của họ. Kết quả cho thấy các sinh viên đại học không có kiến thức đầy đủ về tài chính cá nhân và quản lý tài chính, họ cần cải thiện kiến thức về tài chính để bảo vệ tài chính của họ ở tầm trung và dài hạn. Phù hợp với Allen và cộng sự (2007), Jorgensen và Savla (2010) cho thấy nhiều người trẻ tuổi có kiến thức, thái độ và hành vi tài chính không đầy đủ. Ngoài ra, kết quả cho thấy các yếu tố chính ảnh hưởng đến sự hiểu biết tài chính cá nhân của sinh viên đại học là thứ hạng lớp, tuổi, mức thu nhập của gia đình, và tiềm năng thảo luận của sinh viên với cha mẹ về các chủ đề tài chính (Altintas, 2011). Giáo dục tài chính cho trẻ là vấn đề còn mới mẻ nhưng có tầm quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, cũng như quyết định mức độ thành công của trẻ trong tương lai. Theo kết quả cuộc khảo sát “Am hiểu tài chính” do Master Card tổ chức thường niên tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á- Thái Bình Dương, người trẻ Việt dù hoạch định khá tốt ở mức 73 điểm, nhưng hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51 điểm). Kết quả, Việt Nam đứng thứ 14, gần như là cuối cùng trong bảng xếp hạng1. Cha mẹ dạy con về tài chính như thế nào? Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em học về tiền bạc đa phần từ cha mẹ của chúng, thông qua nhiều cách: Quan sát, trò chuyện và trải nghiệm. Quan sát: Trẻ có xu hướng quan sát cách sử dụng tiền của cha mẹ và người lớn xung quanh. Liệu cha mẹ có thuộc tuýp người tiêu hết tiền khi chưa tới kỳ lương hay không? Hay sẽ tiết kiệm từng đồng? Điều này sẽ có tác động lớn đến trẻ. Trong trường hợp 1, rất khó để dạy trẻ rằng tiền là có giới hạn, hay đơn giản là tiết kiệm. Trong trường hợp 2, trẻ sẽ có xu hướng coi tiền là trung tâm, trong khi đó, tiền chỉ là công cụ và trẻ sẽ rất khó khăn khi chi tiêu cho nhu cầu của bản thân. Trò chuyện: Cha mẹ nên thảo luận với trẻ về tình trạng tài chính của gia đình mình, mức độ thảo luận tới đâu nên phù hợp với độ tuổi của trẻ. Thậm chí, cha mẹ nên khuyến khích con đưa ra những ý kiến của mình liên quan đến vấn đề tài chính của gia đình. Chẳng hạn, thảo luận về chi phí cho một chuyến đi; hay trò chuyện với con tại sao nhà mình 1 https://kinhdoanh.vnexpress.net/ tin-tuc/ebank/thanh-toan-dien-tu/ ky-nang-quan-ly-tai-chinh-cho- gioi-tre-3490544.html không đổi TV mà mua thêm xe đạp. Một khi con cái hiểu thực trạng tài chính của nhà mình, chúng sẽ biết kiềm chế bản thân trước những đòi hỏi mà chúng biết là không thể. Trải nghiệm: Hãy cho trẻ tiêu tiền, đó là trải nghiệm thực sự của trẻ. Qua đó, trẻ học hỏi được nhiều thứ, cách giao tiếp, giá cả hàng hóa, khi nào nên mặc cả, trẻ hiểu biết về các mặt hàng trên thị trường và quan trọng hơn, nhận thức rõ ràng về thu nhập với chi phí bỏ ra của gia đình mình. Hãy bắt đầu từ cách đơn giản là cho trẻ cùng đi siêu thị/chợ; cho trẻ tự mua quà sinh nhật cho người thân, đồ dùng cho học tập 4. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam Một là, công nhận vai trò và quyền lợi trẻ em cũng là người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính như người tiêu dùng trưởng thành. Trụ cột thứ 3 trong chiến lược tài chính toàn diện là “Những người tiêu dùng hiểu biết tài chính và được bảo vệ đầy đủ bằng hệ thống pháp luật”. Mặc dù đã có các động thái tích cực từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và một số ngân hàng thương mại như chấp nhận cho trẻ mở sổ tiết kiệm hay sở hữu thẻ ATM, nhưng khái niệm “người tiêu dùng” được nhắc đến ở đây lại chưa làm rõ vai trò và quyền lợi của trẻ em nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng với vai trò là người CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ 16 Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàngSố 191- Tháng 4. 2018 tiêu dùng; cũng như chưa làm rõ các lợi ích mà xã hội có được khi có một người tiêu dùng trưởng thành hiểu biết tài chính nhờ các chương trình giáo dục tài chính từ sớm. Hai là, tăng cường vai trò của nhà trường trong việc đào tạo kiến thức tài chính cho trẻ em. Theo thống kê từ các nghiên cứu trước, các quốc gia phát triển đều đưa chương trình tài chính cá nhân vào trường học cho trẻ em. Tại Việt Nam, trong một số năm gần đây và đặc biệt là sau khi NHNN đưa ra Chiến lược tài chính toàn diện, xã hội đã có những quan tâm bước đầu đến giáo dục tài chính. Tuy nhiên, các chương trình mới đang được thực hiện ở tầm vĩ mô và dành cho người trưởng thành. Chương trình tài chính dành cho trẻ em hiện nay mới có duy nhất một chương trình mang tên “Những đứa trẻ thông thái” do Vụ Truyền thông NHNN và Trung tâm tin tức VTV24 phối hợp thực hiện2. Đã có các khóa học cho trẻ em được triển khai nhưng hầu hết là các khóa tự phát, đào tạo ngắn hạn của một số trung tâm giáo dục. Một số ít trường quốc tế có đưa nội dung giáo dục tài chính vào giảng dạy như là một chương trình ngoại khóa song chưa thể hiện tính dài hơi của chương trình. Trong bối cảnh đó, để tăng cường hiểu biết tài chính cho trẻ em, nhà trường đóng vai trò quan trọng. Cần có một 2 https://baomoi.com/ra-mat- c h u o n g - t r i n h - g i a o - d u c - t a i - c h i n h - c h o - t r e - t r e n - t r u y e n - hinh/c/23349066.epi khung chương trình thống nhất từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tới trung học phổ thông, với các kiến thức tài chính căn bản nhưng hiện đại đồng thời phù hợp với văn hóa người Việt nam. Ba là, tăng cường các hoạt động truyền thông để cha mẹ thấy rõ lợi ích của việc giáo dục trẻ em về tài chính từ sớm, đồng thời bắt tay đồng hành trong việc giáo dục tài chính cho con. Tâm lý chung của đa số cha mẹ Việt Nam là cho con tiếp xúc với tiền sớm dễ hư. Mặc dù quan điểm này đã dần thay đổi nhưng việc giáo dục tài chính cho trẻ chưa được quan tâm đầy đủ và đúng với tầm quan trọng của nó. Hơn nữa, nhà trường (nếu có) chỉ là nơi cung cấp kiến thức, còn cha mẹ mới có thể tạo điều kiện cho con thực hành những điều đã học thông qua việc trao cho con quyền tự chủ tài chính theo độ tuổi cũng như phân công trách nhiệm rõ ràng. Truyền thông qua truyền hình, tờ rơi, qua việc đưa chương trình giáo dục tài chính vào nhà trường sẽ giúp các bậc phụ huynh có góc nhìn đúng đắn về việc giáo dục tài chính cho con. Mặt khác, thông qua hướng dẫn cho con, bản thân cha mẹ cũng trau dồi kiến thức và hiểu biết cho chính bản thân mình. Một xã hội có hiểu biết về tài chính mới là đích đến của chương trình tài chính quốc gia toàn diện. 5. Kết luận Tăng cường giáo dục tài chính và hiểu biết tài chính là một trong các giải pháp đẩy mạnh Chiến lược Quốc gia về tài chính toàn diện. Mặc dù không tạo ra các con số ấn tượng về tăng số thẻ phát hành, số lượng người mở tài khoản hay chuyển tiền, tăng cường giáo dục tài chính và hiểu biết tài chính cho trẻ em là một trong những biện pháp căn bản và gốc rễ giúp cho hiểu biết tài chính nói chung của cộng đồng tăng lên. Các nhà làm chính sách thường nhấn mạnh vào vai trò của đồng bộ chính sách và pháp luật liên quan, điều này đúng, nhưng chỉ khi nào người dân được nâng cao trình độ và có hiểu biết tương xứng về vấn đề đó. Nếu không, tất cả sẽ chỉ là kích cầu một chiều, còn người dân chưa thật sự phát sinh nhu cầu sử dụng các dịch vụ/sản phẩm tài chính đó. Việc giáo dục tài chính là quan trọng, cả ở vai trò nhà trường và gia đình. Nếu có các biện pháp thúc đẩy giáo dục tài chính phù hợp, cả xã hội sẽ hưởng lợi vì không chỉ người trưởng thành mà các em nhỏ cũng được học hỏi các kiến thức tài chính và có thể làm chủ các quyết định tài chính thông qua sự hỗ trợ đắc lực của các dịch vụ/sản phẩm tài chính do ngân hàng và các tổ chức tài chính cung cấp. ■ CHÍNH SÁCH & THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH - TIỀN TỆ 17Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng Số 191- Tháng 4. 2018 Tài liệu tham khảo 1. OECD (2005). Improving Financial Literacy: Analysis of Issues and Policies. OECD Publications. 2. OECD (2012), Financial education in school. OECD Publications. Truy cập tại: https://www.moneysmart.gov.au/ media/560517/finedschool_web.pdf 3. OECD( 2005a) Improving Financial Literacy. OECD Publications. 4. Justine S. Hastings, Brigitte C. Madrian, and William L. Skimmyhorn (2013), Finanial literacy, financial education and economics outcomes. Truy cập tại: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3753821 5. Nikola Fabris *, Radoica Luburić (2016), Finacial Education of Children and Youth, Journal of Central Banking Theory and Practice. 6. UNICEF (2012), Child Social and financial Education. Truy cập tại: https://www.unicef.org/publications/files/CSFE_ module_low_res_FINAL.pdf 7. Child and Youth Finance International (CYFI) (2016). Training Course on: Fostering National Financial Education Strategies. Podgorica: CYFI and GIZ. 8. Robb, C. A., Babiarz, P., & Woodyard, A. (2012). The demand for financial professionals’ advice: the role of financial knowledge, satisfaction, and confidence. Financial Services Review 21(4), 291-305. 9. Walstad, William B., and Ken Rebeck. 2005a. Financial Fitness for Life: High School Test Examiner’s Manual (grades 9–12). New York: Council for Economic Education. 10. Walstad, William B., Ken Rebeck, Richard A. Macdonald (2010), The Effects of Financial Education on the Financial Knowledge of High School Students, The journal of consumer affairs 11. José Manuel Cordero, María Gil, Francisco Pedraja (2016). Truy cập tại: https://editorialexpress.com/cgi-bin/conference/ download.cgi?db_name=EEP2016&paper_id=28 12. Clarke, M. D., Heaton, M. B., Israelsen, C. L., & Eggett, D. L. (2005). The acquisition of family financial roles and responsibilities. Family and Consumer Sciences Research Journal 13. Allen, M. W., Edwards, R., Hayhoe, C. R., & Leach, L. (2007). Imagined interaction, attitudes towards money and credit, and family coalitions. Journal of Family and Economic Issues 14. Jorgensen, B. L., & Savla, J. (2010). Financial literacy of young adults: The importance of parental socialization. Family Relations 15. Altintas, K. M. (2011). The dynamics of financial literacy within the framework of personal finance: An analysis among Turkish university students. African Journal of Business Management 16. Allen, M. W., Edwards, R., Hayhoe, C. R., & Leach, L. (2007). Imagined interaction, attitudes towards money and credit, and family coalitions. Journal of Family and Economic Issues. 17. OECD (2012).The importance of financial education for youth Truy cập tại: Management/oecd/finance-and-investment/financial-education-for-youth/the-importance-of-financial-education-for- youth_9789264174825-3-en#page1. Thông tin tác giả Trịnh Thị Phan Lan, Tiến sĩ Đại học Kinh tế- Đại học Quốc gia Hà Nội Email: lanttp@vnu.edu.vn Summary Financial education for childrend in the context of developing the vietnam financial inclusion strategy Towards The National Financial Inclusion Strategy, the article discusses the importance and benefits of early childhood financial education. It also emphasizes the role of school and parents in educating finance knowlege for childrend. Through this, the article also provides some experienced lessons which related to financial education for children. Keywords: financial education, financial literacy, finance inclusion. Lan Thi Phan Trinh, PhD. University of Economics - Vietnam National University
File đính kèm:
- giao_duc_tai_chinh_cho_tre_em_huong_toi_pho_cap_tai_chinh_qu.pdf