Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị tại Việt Nam – thực trạng và giải pháp

Sư gia tăng nhanh chóng của thông tin đi cùng với sự phát triển của công nghệ đã

giúp cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng các lĩnh vực tri thức, không phụ

thuộc vào không gian và thời gian. Tuy nhiên, với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm

thị, việc thực hiện nhu cầu tưởng chừng rất đơn giản này lại gặp nhiều khó khăn.

Trong Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật đã quy định rõ, người

khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng có quyền được tiếp cận những dịch vụ

công, được tạo điều kiện để truy cập và sử dụng thông tin như những người bình thường

khác. Trên thế giới, các dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị đã được phát

triển từ rất sớm. Năm 1825, hệ thống chữ nổi Louis Braille dành cho người khiếm thị ra

đời, và vào khoảng năm 1868, Thư viện Công cộng Boston của Mỹ đã thực hiện dịch vụ

thư viện đầu tiên dành cho người mù là cho mượn những cuốn sách chữ nổi. Đến nay rất

nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các dịch vụ thư viện dành cho người khiếm thị

với nhiều hình thức hỗ trợ cả về định dạng tài liệu, các thiết bị phụ trợ và khoảng cách địa

lý nhằm xóa bỏ rào cản cũng như trợ giúp những người không may mắn bị khiếm khuyết

về thị giác - giác quan quan trọng nhất.

pdf 7 trang kimcuc 2760
Bạn đang xem tài liệu "Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị tại Việt Nam – thực trạng và giải pháp", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị tại Việt Nam – thực trạng và giải pháp

Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị tại Việt Nam – thực trạng và giải pháp
DỊCH VỤ THÔNG TIN THƯ VIỆN DÀNH CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ TẠI VIỆT 
NAM – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP 
Chu Vân Khánh 
Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu thực trạng dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm 
thị tại một số thư viện tỉnh, thành phố và một số thuận lợi cũng như khó khăn trong quá 
trình phục vụ đối tượng bạn đọc đặc biệt này. Trên cơ sở những điều kiện chủ quan và 
khách quan của từng thư viện và các văn bản pháp luật đã được ban hành, bài viết đề cập 
tới một số giải pháp phục vụ cho việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như 
nguồn tài liệu nhằm cung cấp cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng 
những dịch vụ thông tin thư viện chất lượng cao cả về sản phẩm và hình thức phục vụ. 
ĐẶT VẤN ĐỀ 
Sư gia tăng nhanh chóng của thông tin đi cùng với sự phát triển của công nghệ đã 
giúp cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và sử dụng các lĩnh vực tri thức, không phụ 
thuộc vào không gian và thời gian. Tuy nhiên, với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm 
thị, việc thực hiện nhu cầu tưởng chừng rất đơn giản này lại gặp nhiều khó khăn. 
Trong Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật đã quy định rõ, người 
khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng có quyền được tiếp cận những dịch vụ 
công, được tạo điều kiện để truy cập và sử dụng thông tin như những người bình thường 
khác. Trên thế giới, các dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị đã được phát 
triển từ rất sớm. Năm 1825, hệ thống chữ nổi Louis Braille dành cho người khiếm thị ra 
đời, và vào khoảng năm 1868, Thư viện Công cộng Boston của Mỹ đã thực hiện dịch vụ 
thư viện đầu tiên dành cho người mù là cho mượn những cuốn sách chữ nổi. Đến nay rất 
nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển các dịch vụ thư viện dành cho người khiếm thị 
với nhiều hình thức hỗ trợ cả về định dạng tài liệu, các thiết bị phụ trợ và khoảng cách địa 
lý nhằm xóa bỏ rào cản cũng như trợ giúp những người không may mắn bị khiếm khuyết 
về thị giác - giác quan quan trọng nhất. 
Dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị là một loại hình dịch vụ đặc 
biệt. Đối với người bình thường, thông tin hiện diện ở mọi nơi, từ các cửa hàng, phòng chờ 
nhà ga, các sạp báo, hiệu sách và việc đọc, nghe, xem cũng rất dễ dàng và đơn giản. 
Nhưng đối với người khiếm thị, thông tin chỉ có thể được nhận thức bằng hai giác quan 
chính là thính giác – nghe, và xúc giác – sờ, cảm nhận thấy, ngoài ra khả năng di chuyển 
của người khiếm thị cũng rất hạn chế, khó hoạt động độc lập nếu không có các phương tiện 
hỗ trợ như gậy dò đường, chó dẫn đường, người giúp đỡ Các dịch vụ và sản phẩm thông 
tin thư viện dành cho người khiếm thị cũng được xây dựng dựa trên những đặc điểm này. 
 Thạc sĩ, Trường Đai học Văn hóa Hà Nội 
Những sản phẩm thông tin thư viện thông dụng dành cho người khiếm thị có thể kể 
đến như: 
- Sách chữ nổi Braille: giúp người dùng đọc hiểu nội dung của tài liệu qua cơ 
quan xúc giác- sờ và cảm nhận các ký hiệu chấm nổi qua đầu ngón tay. Dạng tài liệu này 
đòi hỏi người dùng phải biết và nhớ được ký hiệu của hệ thống chữ nổi. Sách chữ nổi là 
công cụ trợ giúp cho người mù bẩm sinh, đặc biệt là trẻ em để học đọc, học viết. 
- Họa đồ, bản đồ, sách hình minh họa nổi: hình ảnh minh họa trên giấy được 
làm phồng nổi lên để người dùng có thể hình dung được. Loại tài liệu này thường được 
dùng trong các trường học. 
- Sách nói: thường được lưu trữ trong băng cassettes, đĩa CD ROM và các vật 
mang tin điện tử, ngoài ra còn có sách nói kỹ thuật số DAISY chạy trên các phần mềm 
chuyên dụng ... 
Với các sản phẩm kể trên, một số dịch vụ đặc biệt cũng được phát triển nhằm đáp 
ứng nhu cầu tiếp cận và sử dụng thông tin của người khiếm thị như: 
- Dịch vụ phục vụ tại chỗ: người khiếm thị có thể đến thư viện mượn tài liệu 
đọc tại chỗ với phòng phục vụ riêng đi kèm với các thiết bị hỗ trợ đọc. 
- Dịch vụ giao tài liệu tận nhà và gửi qua đường bưu điện. 
- Dịch vụ tư vấn hỏi đáp và vận động người khiếm thị tham gia sử dụng thư 
viện. 
- Tổ chức các thư viện lưu động: phục vụ tài liệu đến tận địa phương có người 
khiếm thị. Dịch vụ này có thủ thư giới thiệu tài liệu và cách sử dụng các trang thiết bị hỗ 
trợ đi kèm. 
- Dịch vụ mượn liên thư viện: tổ chức luân chuyển tài liệu, thực hiện việc liên 
kết giữa các thư viện để chia sẻ nguồn tài liệu đặc biệt phục vụ người khiếm thị. 
- Dịch vụ Website chữ nổi 
- Dịch vụ đọc tài liệu trực tiếp. 
1. THỰC TRẠNG DỊCH VỤ THÔNG TIN - THƯ VIỆN DÀNH CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ 
Ở VIỆT NAM 
Ở Việt Nam, từ năm 1999, dưới sự chỉ đạo của Vụ Thư viện – cơ quan quản lý hệ 
thống các Thư viện công cộng trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin, nay là Bộ Văn hóa – 
Thể thao – Du lịch, các dịch vụ thông tin thư viện dành cho người khiếm thị đã từng bước 
được phát triển và nhân rộng, trong đó đi đầu phải kể đến Thư viện Hà Nội (TVHN) và 
Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (TV KHTH). Đến nay, từ nguồn 
kinh phí của Nhà nước cùng các dự án tài trợ của nhiều tổ chức phi lợi nhuận và tập đoàn 
lớn trên thế giới cũng như các nhà hảo tâm, các phòng đọc với những hình thức đa dạng 
phục vụ thông tin cho người khiếm thị đã được xây dựng tại các thư viện tỉnh, thành phố 
như Thư viện Tỉnh Đồng Tháp, Thư viện tỉnh Sơn La, Thư viện tỉnh Nghệ An,  
Dưới đây là bảng số liệu tổng hợp số lượng tài liệu phục vụ người khiếm thị tại một 
số thư viện tính đến tháng 9 năm 2017 
Thư viện Sách chữ nổi Sách nói Sách minh họa nổi 
Thư viện Hà Nội ~ 2700 cuốn ~ 2500 bản 
Thư viện KHTH TP Hồ 
Chí Minh 
~ 2000 cuốn ~ 1,500,000 bản ~ 400 cuốn 
Thư viện tỉnh Nghệ An ~ 500 cuốn ~ 3000 bản 
Thư viện tỉnh Đồng Tháp ~ 3000 cuốn ~ 300 bản 
Thư viện tỉnh Thái 
Nguyên 
~ 280 cuốn ~1950 bản 
Đi kèm với những loại hình tài liệu đặc biệt trên, các thư viện cũng trang bị các thiết 
bị chuyên dụng dành riêng cho việc truy cập và sử dụng thông tin của người khiếm thị như: 
đài cassette, đầu đọc đĩa CD, loa phát usb, máy vi tính với bàn phím chữ nổi 
Dịch vụ thông tin thư viện chủ yếu dành cho người khiếm thị tại các thư viện tỉnh, 
thành phố là cung cấp tài liệu đọc tại chỗ và cho mượn về nhà, ngoài ra do nhược điểm của 
người khiếm thị là gặp khó khăn trong việc đi lại, di chuyển nên phần lớn tài liệu được luân 
chuyển đến các quận huyện, các trung tâm từ thiện và Hội người mù trên địa bàn. Cụ thể 
- Thư viện Hà Nội: mỗi năm 2 đợt luân chuyển tài liệu đến 12 quận, huyện 
trên địa bàn thành phố. Mỗi điểm 40 đầu sách chữ nổi và 10 sách nói. (1) 
- Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh: mỗi năm 12 chuyến phục vụ lưu động 
đến các Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, Mái ấm từ thiện và Trung tâm khiếm thị với 
4,408 lượt bạn đọc và 8743 lượt tài liệu được sử dụng. (2) 
Một trong những khó khăn lớn nhất của người khiếm thị tại Việt Nam là khả năng 
tài chính. Đa phần người khiếm thị đều phải học nghề để tự kiếm sống, làm việc trong các 
cơ sở từ thiện và làm những nghề lao động chân tay như massage người mù, làm tăm, làm 
chổi và một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ Chỉ có một số ít người có điều kiện được đi 
học và tiếp xúc với những sản phẩm công nghệ thông tin cao như máy tính và các thiết bị 
phụ trợ. Với mục tiêu đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin và khuyến khích phát triển 
phong trào đọc sách trong cộng đồng, vào tháng 10 năm 2016, dự án Xe thư viện lưu động 
có tên Ánh sáng tri thức đã được Vụ Thư viện kết hợp với một số đơn vị tài trợ, trao tặng 
5 tỉnh Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam, Gia Lai và An Giang. Mỗi xe này được trang bị 3000 
bản sách các loại, 1 máy chủ và 10 máy tính, đặc biệt được trang bị cả thiết bị đọc và sách 
dành cho người khiếm thị, đồng thời với ưu điểm nhỏ, gọn, có thể di chuyển tới những 
vùng sâu, vùng xa nên xe đã trở thành một phòng học di động, không chỉ cung cấp tài liệu 
cho người khiếm thị mà còn hỗ trợ đào tạo về kỹ năng sống và kỹ năng công nghệ thông 
tin. 
Ngoài ra một số thư viện khác lại chú trọng nhiều đến các chương trình đào tạo kỹ 
năng và kiến thức cho người khiếm thị. Phòng phục vụ dành cho người khuyết tật- khiếm 
thị tại Thư viện tỉnh Đồng Tháp tuy mới mở cửa phục vụ từ tháng 6 năm 2016, nhưng đã 
tổ chức được rất nhiều hoạt động hỗ trợ cũng như trợ giúp cho việc hình thành thói quen 
sử dụng sách báo dành cho nhóm người dùng tin đặc biệt này. Một số thành quả Thư viện 
tỉnh Đồng Tháp đã đạt được trong thời gian qua có thể kể đến như: 
- Mở 7 lớp tập huấn từ cơ bản tới nâng cao về “ Hướng dẫn sử dụng máy tính 
và truy nhập Internet dành cho người khiếm thị” với hơn 50 học viên. 
- Tổ chức các cuộc thi như “Gia đình đọc sách”, “Thử tài đánh máy” dành cho 
người khuyết tật 
- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề theo các chủ đề như “Sự chia sẻ: Cho 
và nhận”, “Tình bạn”, “Tình thầy trò” dành cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh 
- Tổ chức chương trình Quà tặng ngày xuân: tặng bộ chữ cái chữ nổi, sách 
minh họa nổi cho người khiếm thị, kêu gọi và khuyến khích tình nguyện viên tham gia làm 
sách chữ nổi, sách minh họa nổi, sách nói 
- Phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam, chương trình 
nghệ thuật Kết nối yêu thương với sự tham gia của người khiếm thị trên địa bàn Tỉnh 
Đặc biệt, Thư viện có sự phối hợp chặt chẽ với hơn 30 cơ quan như Hội khuyến học 
Đồng Tháp, Trường Đại học Đồng Tháp, phòng Giáo dục. các trường Nuôi dạy trẻ khuyết 
tật, Mái ấm từ thiện Các chương trình và hoạt động giáo dục đều được đưa tin trên các 
phương tiện truyển thông như Đài Truyền hình Đồng Tháp, Trang thông tin dành cho người 
khuyết tật – khiếm thị Thư viện Đồng Tháp trên mạng xã hội Facebook. Các video clip về 
các hoạt động của Thư viện đều có âm thanh rõ ràng và dễ truy cập dành cho người khiếm 
thị. Những hoạt động trên, mặc dù ít nhiều không liên quan đến các hình thức cung cấp 
dịch vụ thông tin thư viện phổ biến nhưng lại đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dùng 
tin khiếm thị, và ngày càng được đông đảo đối tượng bạn đọc đặc biệt này hưởng ứng và 
tham gia. 
2. MỘT SỐ THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ 
THÔNG TIN CHO NGƯỜI KHIẾM THỊ TẠI CÁC THƯ VIỆN VIỆT NAM 
Trong gần 20 năm phát triển dịch vụ thư viện thông tin dành cho người khuyết tật 
tại Việt Nam, có thể nhận thấy các cơ quan quản lý và thư viện tỉnh, thành phố đã có những 
quan tâm đầu tư đáng kể vào công cuộc mở cánh cửa tri thức cho những người không may 
bị thiệt thòi. Các chương trình, dự án xây dựng tủ sách, tài trợ kinh phí và thiết bị dành cho 
người khiếm thị đã được nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài quan tâm như Quỹ 
FORCE Hà Lan, Tổng lãnh sự quán các quốc gia như Đức, Mỹ, Úc, Tập đoàn Vingroup, 
Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L, và rất nhiều các Mạnh Thường Quân 
giấu tên khác. Cán bộ thư viện cũng được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo các kỹ thuật 
tiên tiến về sản xuất tài liệu cho người khiếm thị. Các thư viện trung tâm như TVHN và 
TV KHTH được trang bị các loại máy móc sản xuất tài liệu chuyên dạng như máy in chữ 
nổi, phần mềm sản xuất sách nói DAISY 
Một số thư viện khác như Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã quan tâm chú trọng tới việc 
kêu gọi nguồn tình nguyện viên từ các trường đại học, trung học trên địa bàn tỉnh, trợ giúp 
việc đưa đón người khiếm thị tới sử dụng thư viện, tham gia sản xuất sách nói, sách chữ 
nổi. Đây là nguồn nhân lực rất quý giá, vừa góp phần xóa đi mặc cảm của người khuyết 
tật, giúp họ hòa nhập cộng đồng, vừa là hoạt động giáo dục thế hệ trẻ biết sẻ chia, cảm 
thông và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. 
Bên cạnh những thuận lợi trên, công tác phục vụ người dùng tin khiếm thị vẫn còn 
gặp nhiều khó khăn, trong đó trở ngại lớn nhất là nguồn tài chính để duy trì hoạt động và 
sản xuất tài liệu. Kinh phí để sản xuất một cuốn sách chữ nổi đắt gấp 5-7 lần so với một 
cuốn sách in thông thường. Tài liệu lại dễ hư hỏng, độ bền kém. Đối với sách nói thì cần 
được lưu trữ và bảo quản trên các vật mang tin đa phương tiện như CD ROM, USB, băng 
cassette và phải có máy chuyên dùng để sử dụng, hơn nữa các loại thiết bị cũng dễ bị hỏng 
hóc và cần được bảo dưỡng thường xuyên. 
Do người dùng tin khiếm thị gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển nên các thư 
viện cũng chú trọng đến việc luân chuyển tài liệu theo định kỳ tới các điểm tập trung như 
các Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, Mái ấm từ thiện, Trung tâm việc làm dành riêng 
cho người khuyết tật nhưng số lượng tài liệu còn tương đối khiêm tốn, nội dung còn 
chưa đáp ứng được với nhu cầu của số đông bạn đọc. Trong báo cáo tổng kết hoạt động 
phục vụ của Phòng Khiếm thị - TV KHTH TP HCM 6 tháng đầu năm 2017 có đề cập đến 
những tồn tại chính như: nội dung tài liệu về giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe, học 
tiếng Anh- là những vấn đề được bạn đọc quan tâm- còn ít, số lượng cũng hạn chế. Báo 
cáo cũng đề cập đến nguyện vọng của bạn đọc khiếm thị là ngoài sách chữ nổi Braille cần 
có thêm sách nói về cùng nội dung để có thể nghe chung sau giờ làm việc. 
Ngay cả dự án Xe thư viện lưu động Ánh sáng tri thức cũng gặp những khó khăn và 
trở ngại về kinh phí duy trì. Các thư viện tỉnh được trao tặng xe lại thiếu vốn đối ứng và 
người quản lý hoạt động. Mỗi xe cần có riêng một tài xế và ít nhất một thủ thư kiêm tất cả 
các công việc từ phục vụ tài liệu đến hướng dẫn sử dụng thiết bị. Vấn đề này dẫn tới việc 
Xe thư viện lưu động hoạt động cầm chừng hoặc bị quá tải về số lượng bạn đọc nên tài liệu 
dễ thất thoát, máy móc nhanh hỏng 
Các thư viện trên địa bàn các tỉnh có nhiều khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa 
như Thư viện Tỉnh Điện Biên, Thư viện tỉnh Quảng Ngãi số lượng tài liệu còn rất ít, lượng 
người dùng tin biết đến phòng đọc khiếm thị cũng rất hạn chế. 
Hoạt động phục vụ, hướng dẫn người dùng tin khiếm thị sử dụng các dịch vụ, thiết 
bị, tài liệu cũng là vấn đề với nhiều thư viện. Cán bộ thủ thư quản lý công tác này hầu hết 
là kiêm nhiệm, kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử, hướng dẫn người khiếm thị chưa nhiều, 
cũng không được đào tạo riêng về đặc thù của đối tượng bạn đọc này, nên hoàn toàn dựa 
vào sự kiên trì, thấu cảm, bao dung của người phục vụ với người dùng tin khiếm thị. 
3. CÁC GIẢI PHÁP 
 Sự ra đời của Luật Người khuyết tật năm 2010, sự kiện Việt Nam phê chuẩn Công 
ước quốc tế về Quyền của NKT năm 2015 và Quyết định Phê duyệt Đề án trợ giúp người 
khuyết tật giai đoạn 2012-2020 của Thủ tướng Chính phủ năm 2012 là cơ sở để các cơ 
quan có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật nói chung và người khiếm 
thị nói riêng hòa nhập cộng đồng cũng như có quyền bình đẳng trong việc tiếp cận và sử 
dụng các dịch vụ, tiện ích công cộng như tất cả những công dân khác. Mặc dù còn gặp 
nhiều khó khăn cả về điều kiện chủ quan và khách quan nhưng các thư viện tỉnh, thành phố 
đã và đang nỗ lực từng bước thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đề án này, nhằm cung 
cấp cho người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng những dịch vụ thông tin 
thư viện chất lượng cao cả về sản phẩm và hình thức phục vụ. 
Với những thuận lợi và khó khăn nêu trên, tác giả xin mạnh dạn đưa ra một số kiến 
nghị như sau: 
- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tổ chức các lớp tập huấn về trang 
bị cơ sở vật chất tối thiểu, cách phục vụ, ứng xử với đối tượng người dùng tin khuyết tật 
và khiếm thị dành cho các thư viện trong cả nước. 
- Các thư viện cần có hoạt động phối kết hợp với Hội người mù tại địa phương, 
các Cơ sở chăm sóc nuôi dạy trẻ khuyết tật, các Trung tâm từ thiện, việc làm dành cho 
người khuyết tật để điều tra nhu cầu của người dùng tin khiếm thị, từ đó xây dựng các dự 
án tiếp tục phát triển các phòng đọc khiếm thị, đảm bảo dựa trên số liệu điều tra để trang 
bị cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn tài liệu phong phú về số lượng và chất lượng, ngoài 
việc tổ chức phục vụ tại thư viện cần đẩy mạnh hoạt động luân chuyển tài liệu tới các điểm 
trên, bởi đặc thù của người khiếm thị là gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển. 
- Tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ, tài trợ cả về vật chất và tinh thần của 
các Tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà hảo tâm và đặc biệt là các tình nguyện viên 
đến từ các trường trung học, đại học trên địa bàn. Hoạt động này vừa mang ý nghĩa nhân 
văn, vừa mang tính giáo dục ý thức cộng đồng cho giới trẻ. 
- Các thư viện tỉnh, thành phố trong cả nước cần đầu tư tổ chức các buổi tọa 
đàm, chia sẻ, sinh hoạt chuyên đề theo các chủ đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống của 
người khiếm thị, đồng thời có thể kết hợp với các kênh truyền thông như Đài truyền hình 
Tỉnh, Kênh phát thanh của Tỉnh, thông báo đến Ủy ban nhân dân Phường, xã về các hoạt 
động này cũng như các dịch vụ thông tin thư viện hiện có nhằm thu hút đông đảo người 
khuyết tật, khiếm thị tham gia, từng bước xóa bỏ mặc cảm và tự ti, đồng thời trợ giúp họ 
tiếp cận thông tin và hòa nhập cộng đồng, phát huy khả năng của bản thân. 
- Tiến hành liên kết hệ thống các phòng đọc khiếm thị tại các thư viện tỉnh, 
thành phố để tận dụng nguồn tài nguyên dùng chung và tránh sự trùng lặp gây mất thời 
gian công sức trong quá trình sản xuất đặc biệt là bộ sưu tập sách nói với ưu điểm gọn nhẹ, 
dễ vận chuyển. Việc sản xuất sách nói dành riêng cho người mất khả năng nhìn hiện nay 
cũng đang còn nhiều vướng mắc liên quan đến bản quyền tác giả. Tuy nhiên trong thời 
gian sắp tới, Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tiếp cận 
thông tin của Chính phủ có hiệu lực vào năm 2018, trong đó đề cập đến các biện pháp tạo 
điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin, sẽ là cơ sở để 
các cơ quan cung cấp thông tin nói chung và các trung tâm thông tin - thư viện nói riêng, 
tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các hình thức, phương thức cung cấp thông tin phù hợp 
với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị. Trên thế giới, hiệp ước Marrakesh VIP 
về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật về thị giác và người khuyết tật khác 
không có khả năng đọc, tiếp cận với các tác phẩm đã công bố, đã có hiệu lực từ ngày 30 
tháng 9 năm 2016. Đây là Hiệp ước về bản quyền, được thông qua tại Marrakesh, Morocco 
vào ngày 28 tháng 6 năm 2013, trong đó cho phép các trường hợp ngoại lệ về bản quyền 
tạo thuận lợi cho việc tạo ra các phiên bản có thể truy cập được của sách và các tác phẩm 
có bản quyền khác cho người khiếm thị. Thời điểm Việt Nam chính thức thông qua Hiệp 
ước Marrakesh sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thông tin mới cho người khiếm thị, đồng thời cũng 
là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền, các thư viện và trung tâm thông tin đẩy mạnh việc 
sản xuất các dạng tài liệu mới với nội dung cập nhật dành riêng cho đối tượng bạn đọc này. 
KẾT LUẬN 
Bác Hồ đã từng có câu nói nổi tiếng: “Thương binh tàn nhưng không phế” để động 
viên tinh thần của các chiến sĩ là thương, bệnh binh. Nhưng câu nói này còn là nguồn khích 
lệ to lớn với những người khuyết tật đặc biệt là người khiếm thị, tuy gặp nhiều thiệt thòi vì 
khiếm khuyết cơ thể nhưng mỗi người cần có nghị lực, phấn đấu vượt lên chính mình. Và 
các thư viện – thiết chế văn hóa dành cho cộng đồng sẽ đóng vai trò quan trọng, là cầu nối 
giúp họ tiếp cận nguồn thông tin và dịch vụ công cộng. Đây cũng là mong mỏi của đa số 
người khuyết tật, những người vẫn luôn khát khao được đóng góp chút sức lực dù là nhỏ 
bé vào công cuộc xây dựng đất nước. 
Chú thích: 
(1) Số liệu báo cáo của Thư viện Hà Nội năm 2016 
(2) Số liệu báo cáo của Thư viện KHTH TP Hồ Chí Minh năm 2016 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Luật người khuyết tật (2011).  
2. Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.  
3. Duane Gerstenberger (1985), Library services for the blind a brief review and 
overview. Future Reflections Magazine, Vol.4, No 2. 
4. Trần Thị Thanh Vân (2011), Tìm hiểu các loại sản phẩm và dịch vụ thông tin phục 
vụ người khiếm thị trên thế giới, Thư viện Việt Nam, Số 3, tr.29-33. 
5. Như Anh (2016), Thư viện Đồng Tháp sẵn sàng mở cánh cửa tri thức. 
6. Nhu cầu và cơ hội tiếp cận thông tin của người khiếm thị (2016), Tạp chí Người bảo 
trợ.  
Các website tham khảo: 
7.  
8.  
9.  

File đính kèm:

  • pdfdich_vu_thong_tin_thu_vien_danh_cho_nguoi_khiem_thi_tai_viet.pdf