Đánh giá hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Nghiên cứu tại các nước đang phát triển cho thấy khoảng 3% bệnh nhân phẫu thuật bị nhiễm

khuẩn vết mổ, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kháng sinh dự phòng giúp giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ.

Các phẫu thuật viên thường có thói quen dùng kháng sinh sau mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng theo phác đồ

điều trị 7 ngày, điều này không những gây tốn kém, mất an toàn mà còn làm tăng nguy cơ xuất hiện chủng vi

khuẩn đề kháng thuốc. Chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm đánh giá hiệu quả phòng nhiễm trùng của liệu

trình kháng sinh dự phòng sau mổ ở bệnh nhân được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng tại Bệnh viện

Trường Đại học Y Dược Huế. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên 54 bệnh nhân

bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng được sử dụng kháng sinh dự phòng sau khi mổ lấy khối thoát vị tại Bệnh viện Đại

học Y Dược Huế từ tháng 3.2017 đến tháng 5.2018. Kết quả: Tỷ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thoát vị đĩa

đệm thắt lưng là 0%. Sử dụng kháng sinh dự phòng trên 54 bệnh nhân giúp tiết kiệm được 21.459.816 đồng

tiền thuốc kháng sinh. Tiết kiệm 36.479.160 đồng tiền giường cho bệnh nhân do rút ngắn thời gian nằm viện

sau mổ. Kết luận: Việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng trong điều

kiện phòng mổ không đạt chuẩn vô khuẩn vẫn có hiệu quả.

pdf 6 trang kimcuc 5480
Bạn đang xem tài liệu "Đánh giá hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đánh giá hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Đánh giá hiệu quả của kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
14
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y Dược Huế - Tập 8, số 5 - tháng 10/2018
ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ CỦA KHÁNG SINH DỰ PHÒNG TRONG
PHẪU THUẬT THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG
Trương Văn Trí, Trần Đức Duy Trí, Võ Lê Quang Khải
Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện trường Đại học Y Dược Huế
Tóm tắt
Đặt vấn đề: Nghiên cứu tại các nước đang phát triển cho thấy khoảng 3% bệnh nhân phẫu thuật bị nhiễm 
khuẩn vết mổ, nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kháng sinh dự phòng giúp giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn vết mổ. 
Các phẫu thuật viên thường có thói quen dùng kháng sinh sau mổ thoát vị đĩa đệm thắt lưng theo phác đồ 
điều trị 7 ngày, điều này không những gây tốn kém, mất an toàn mà còn làm tăng nguy cơ xuất hiện chủng vi 
khuẩn đề kháng thuốc. Chúng tôi tiến hành đề tài này nhằm đánh giá hiệu quả phòng nhiễm trùng của liệu 
trình kháng sinh dự phòng sau mổ ở bệnh nhân được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng tại Bệnh viện 
Trường Đại học Y Dược Huế. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu tiến cứu trên 54 bệnh nhân 
bị thoát vị đĩa đệm thắt lưng được sử dụng kháng sinh dự phòng sau khi mổ lấy khối thoát vị tại Bệnh viện Đại 
học Y Dược Huế từ tháng 3.2017 đến tháng 5.2018. Kết quả: Tỷ lệ nhiễm khuẩn sau phẫu thuật thoát vị đĩa 
đệm thắt lưng là 0%. Sử dụng kháng sinh dự phòng trên 54 bệnh nhân giúp tiết kiệm được 21.459.816 đồng 
tiền thuốc kháng sinh. Tiết kiệm 36.479.160 đồng tiền giường cho bệnh nhân do rút ngắn thời gian nằm viện 
sau mổ. Kết luận: Việc sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng trong điều 
kiện phòng mổ không đạt chuẩn vô khuẩn vẫn có hiệu quả.
Từ khóa: kháng sinh dự phòng; thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Abstract
EFFICACY OF ANTIBIOTICS PROPHYLAXIS IN PATIENTS WITH 
LUMBAR DISC HERNIATION UNDERGOING LUMBAR DISCETOMY
Truong Van Tri, Tran Duc Duy Tri, Vo Le Quang Khai
Department of Neurosurgery, Hue University Hospital
Introduction: Surgical wound infection in developing coutries is about 3%. Antibiotics prophylaxis may 
help to reduce the surgical site infection. The objective of this study was to evaluate the efficacy of antibiotics 
prophylaxis in patients with lumbar disc herniation who were treated with lumbar discectomy at Hue University 
hospital. Materials and Methods: A prospective study was conducted at Hue University hospital from March 
2015 to May 2018 on 54 patients with lumbar disc herniation who were used antibiotics prophylaxis when 
undergoing discectomy. Results: The infection rate in our study was 0%. Antibiotics prophylaxis reduced 
the length of hospitalization as well as the medical cost. Conclusion: Antibiotics prophylaxis was effective 
in preventing surgical site infection despite the fact that the condition of operating rooms did not meet the 
standard rules.
Key words: prophylaxis antibiotics, lumbar disc herniation
Địa chỉ liên hệ: Trương Văn Trí, email: drtruongtri@gmail.com 
Ngày nhận bài: 5/10/2018, Ngày đồng ý đăng: 22/10/2018; Ngày xuất bản: 8/11/2018
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) chiếm khoảng 20% 
các loại nhiễm khuẩn tại bệnh viện [8]. Nghiên cứu 
tại các nước đang phát triển cho thấy khoảng 3% 
bệnh nhân phẫu thuật bị NKVM [6]. Tại Việt Nam, 
nghiên cứu thực nghiệm năm 2008 tại 8 bệnh viện 
tỉnh phía Bắc cho thấy tỷ lệ NKVM hiện mắc là 10,5% 
[4]. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng kháng 
sinh dự phòng giúp giảm tỷ lệ NKVM [8]. 
Do tâm lý lo ngại điều kiện vệ sinh bệnh viện và 
phòng mổ không đạt tiêu chuẩn vô khuẩn nên ở 
Việt Nam nói chung và ở Bệnh viện Trường Đại học 
Y Dược Huế nói riêng, các phẫu thuật viên thường 
có thói quen dùng kháng sinh sau mổ thoát vị đĩa 
đệm thắt lưng theo phác đồ điều trị 7 ngày, điều 
này không những gây tốn kém, mất an toàn mà còn 
làm tăng nguy cơ xuất hiện chủng vi khuẩn đề kháng 
thuốc. Hơn nữa, việc sử dụng kháng sinh sau mổ 
15
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y Dược Huế - Tập 8, số 5 - tháng 10/2018
theo phác đồ điều trị như trên được thực hiện theo 
kinh nghiệm và cảm tính, không dựa trên bằng chứng 
nghiên cứu khoa học. Vì những lý do trên, chúng tôi 
tiến hành nghiên cứu đề tài này với 2 mục tiêu:
- Đánh giá hiệu quả phòng nhiễm trùng của liệu 
trình kháng sinh dự phòng sau mổ ở bệnh nhân 
được phẫu thuật thoát vị đĩa đệm thắt lưng tại Bệnh 
viện Trường Đại học Y Dược Huế.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế của liệu trình kháng 
sinh dự phòng ở bệnh nhân được phẫu thuật thoát 
vị đĩa đệm thắt lưng.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
54 bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt 
lưng được phẫu thuật bằng phương pháp mở cửa 
sổ xương lấy khối thoát vị có sử dụng kháng sinh 
dự phòng trong thời gian nghiên cứu (03/2017-
05/2018) tại khoa Ngoại Tiết niệu - Thần kinh Bệnh 
viện Đại học Y Dược Huế.
Tiêu chuẩn chọn bệnh nhân
- Bệnh nhân được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm 
cột sống thắt lưng được phẫu thuật bằng phương 
pháp mở cửa sổ xương lấy khối thoát vị và có sử 
dụng kháng sinh dự phòng
- Không có nhiễm khuẩn các cơ quan, bộ phận 
khác trước mổ.
Tiêu chuẩn loại trừ bệnh nhân
- Bệnh nhân dị ứng với kháng sinh cephasporine 
III, vancomycin, amikacin
- Bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng 
có biểu hiện viêm nhiễm phần mềm ở vùng lưng, 
hoặc ở bộ phận khác trước mổ.
Quy trình chuẩn bị bệnh nhân trước mổ và liệu 
trình kháng sinh dự phòng
Đêm trước ngày mổ:
Bệnh nhân được điều dưỡng sát trùng, băng vô 
trùng tại vị trí dự kiến rạch da vào tối hôm trước mổ.
Ngày mổ:
- Bệnh nhân đư ợc tiêm kháng sinh cephalosporine 
III trong vòng 30 phút trước khi rạch da
- Sát khuẩn vùng mổ bằng Betadine 10%
- Dùng kháng sinh vancomycin 1 g dạng bột tại 
phẫu trường trước khi đóng vết mổ.
Sau mổ:
- Không dẫn lưu ổ mổ.
- Không thay băng sau mổ.
- Tiếp tục dùng kháng sinh cephalosporine III và 
amikacin 48 giờ sau mổ.
- Theo dõi tình trạng băng vết mổ, thân nhiệt.
- Đánh giá tình trạng vết mổ vào ngày xuất viện
- Bệnh nhân tái khám sau 1 tháng
3. KẾT QUẢ
Mẫu nghiên cứu của chúng tôi gồm 54 bệnh 
nhân, trong đó 33 nam, 21 nữ, tuổi từ 21 đến 69 
tuổi, trung bình 46,2 ± 12,55 tuổi. 
3.1. Theo dõi từ sau phẫu thuật đến khi ra viện 
Thân nhiệt sau phẫu thuật của bệnh nhân
Trong 54 bệnh nhân được theo dõi, có 4 bệnh 
nhân sốt khởi phát trong vòng 48 giờ sau phẫu 
thuật, 1 bệnh nhân sốt khởi phát sau 48 giờ sau 
phẫu thuật, tất cả đều sốt với nhiệt độ ≤ 38,9oC
Tình trạng vết mổ
100% bệnh nhân có vết mổ khô, viêm đỏ trong 
thời gian nằm viện. Không ghi nhận tình vết mổ hở 
ra tự nhiên hay chảy mủ.
Tái khám sau một tháng
Kết quả thăm khám lại cho thấy: 100% bệnh 
nhân có tình trạng vết mổ khô hoàn toàn. Không ghi 
nhận tình trạng vết mổ sưng nề, nóng, đỏ, đau nơi 
vết mổ, không có dịch, mủ chảy ra từ vết mổ hay vết 
mổ hở ra tự nhiên. Không có bệnh nhân nào sốt.
3.2. Hiệu quả kinh tế của kháng sinh dự phòng
Chi phí kháng sinh khi dùng kháng sinh dự phòng 48 giờ
Bảng 1. Chi phí kháng sinh cụ thể phải dùng trên một bệnh nhân dùng kháng sinh dự phòng
Thuốc Đơn vị tính
Số 
lượng
Đơn giá 
(Đồng)
Thành tiền 
(Đồng)
CKD Ceftizoxime 1g (ceftizoxim) [Chong Kun 
Dang Pharmcetical Corp]
Lọ 6 44.800 268.800
Itamekacin 500mg (amikacin) [Công ty TNHH 
sản xuất dược phẩm Medlac Pharma Italy]
Ống 6 8.750 52.500
Vancomycin 500mg (vancomycin) [Bidiphar] Lọ 1 30.996 30.996
Tổng 352.296
Từ cuối tháng 2 năm 2018, do yếu tố khách quan, bệnh nhân được thay CKD Ceftizoxime 1 g bằng Seosaft 
1 g. Tổng cộng có 9 bệnh nhân được dùng Seosaft thay vì CKD Ceftizoxime. Để có sự đồng nhất trong nghiên 
cứu và đơn giản trong tính toán chúng tôi quy ước tất cả bệnh nhân đều dùng CKD Ceftizoxime 1 g.
16
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y Dược Huế - Tập 8, số 5 - tháng 10/2018
Chi phí kháng sinh khi dùng kháng sinh theo phác đồ điều trị
Bảng 2. Chi phí kháng sinh cụ thể phải dùng trên một bệnh nhân dùng kháng sinh điều trị 
(CKD Ceftizoxime 1 g và Itamekacin 500 mg trong thời gian 7 ngày)
Thuốc Đơn vị tính Số lượng
Đơn giá 
(Đồng)
Thành tiền 
(Đồng)
CKD Ceftizoxime 1g (ceftizoxim) [Chong Kun 
Dang Pharmcetical Corp]
Lọ 14 44.800 627.200
Itamekacin 500mg (amikacin) [Công ty TNHH 
sản xuất dược phẩm Medlac Pharma Italy]
Ống 14 8.750 122.500
Tổng 749.700
Chi phí vật dụng tiêu hao:
Trong nghiên cứu này, 54 bệnh nhân sử dụng 
KSDP đã giảm được 864 mũi tiêm kháng sinh, đồng 
nghĩa với giảm các vật dụng tiêu hao đi kèm việc tiêm 
thuốc như: bơm tiêm, bông, băng, cồn sát khuẩn...
Vì vậy, 54 bệnh nhân đã tiết kiệm được 864 đơn 
vị đối với mỗi vật dụng tiêu hao.
Chi phí do rút ngắn thời gian nằm viện sau mổ
Vì thời gian sử dụng kháng sinh sau mổ rút ngắn 
nên cũng rút ngắn thời gian nằm viện sau mổ. Thời 
gian nằm viện sau mổ trung bình của một bệnh nhân 
trong nghiên cứu của chúng tôi là 4,3 ngày, trong khi 
đó thời gian nằm viện sau mổ cho một bệnh nhân 
sử dụng kháng sinh theo liệu trình điều trị là 7 ngày. 
Như vậy một bệnh nhân sử dụng KSDP sẽ giảm được 
trung bình là 2,7 ngày nằm viện sau mổ, giảm được 
chi phí tiền giường bệnh trong 2,7 ngày. Giá tiền của 
1 giường sau phẫu thuật loại I (khoa Thần kinh)/ngày 
là 250.200 đồng. Vì vậy, trung bình một bệnh nhân 
sử dụng KSDP tiết kiệm được 675.540 đồng, nhân 
lên cho 54 bệnh nhân thì số tiền là 36.479.160 đồng. 
Chi phí công cho nhân viên y tế:
Giảm số lần tiêm kháng sinh đồng nghĩa với việc 
giảm công lao động cho nhân viên y tế. Điều này có ý 
nghĩa rất lớn trong tình hình quá tải bệnh nhân hiện 
nay tại bệnh viện Trường Đại học Y Dược nói riêng và 
các bệnh viện trong cả nước nói chung.
Trong nghiên cứu của chúng tôi: 54 bệnh nhân 
sử dụng KSDP đã giảm cho nhân viên y tế việc phải 
tiêm 864 mũi kháng sinh.
Chi phí cho công nhân viên vệ sinh:
Giảm số lần tiêm, nghĩa là giảm lượng rác thải y 
tế (bông, băng, bơm tiêm). Do đó, dùng KSDP góp 
phần giảm công việc cho nhân viên vệ sinh và giảm 
chi phí xử lý rác thải y tế.
4. BÀN LUẬN
4.1. Đánh giá hiệu quả nhiễm khuẩn vết mổ của 
kháng sinh dự phòng
Hiệu quả dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ được 
đánh giá trên 3 tiêu chí: Tình trạng vết mổ, dịch chảy 
ra từ vết mổ và thân nhiệt ở 2 thời điểm: Từ sau mổ 
đến khi ra viện và tái khám sau 1 tháng.
Từ sau mổ đến khi ra viện
Thân nhiệt sau mổ.
Thân nhiệt bệnh nhân từ sau mổ đến khi ra viện 
không có bệnh nhân nào trên 38,9oC. Có 4 bệnh nhân 
sốt khởi phát trong vòng 48 giờ đầu sau phẫu thuật. 
Một bệnh nhân khởi phát sốt sau 48 giờ đầu. Tỷ lê 
bệnh nhân sốt sau mổ là 5/41 (12,2%). Tỷ lệ này phù 
hợp với nghiên cứu của Galicier và cộng sự (13-14%) 
[12]. Tuy nhiên những bệnh nhân này đều hết sốt 
sau 48 giờ mà không cần điều trị. Đối với phẫu thuật 
sạch, sạch nhiễm, nguyên nhân sốt khởi phát trong 
vòng 48 giờ đầu sau phẫu thuật hầu hết không phải 
do nhiễm trùng [13],[16]. Cơ chế của đáp ứng viêm 
gây sốt được chỉ ra ở nhiều nghiên cứu. Quá trình 
mổ làm phá vỡ các phospholipids ở màng tế bào, 
từ đó giải phóng các prostaglandins và cytokines gây 
tăng nhiệt độ cơ thể [12]. Thông thường sốt hậu 
phẫu không phải nguyên nhân do nhiễm khuẩn sẽ tự 
phục hồi vài ngày sau phẫu thuật mà không cần điều 
trị. Đối với một trường hợp bệnh nhân sốt khởi phát 
sau 48 giờ trong nghiên cứu của chúng tôi, ngoài sốt 
ra bệnh nhân không còn dấu hiệu nhiễm trùng toàn 
thân nào khác. Đối với những trường hợp này, theo 
dõi lâm sàng được khuyến cáo. Các xét nghiệm cận 
lâm sàng để tìm kiếm nguyên nhân không mang lại 
lợi ích [13],[16].
Trong một nghiên cứu thuần tập của Ilker trên 
1.073 bệnh nhân phẫu thuật chỉnh hình (các phẫu 
thuật sạch), trong đó có 19% bệnh nhân có sốt 
(≥38oC) trong vòng 7 ngày sau mổ, 1,2% bệnh nhân 
được chẩn đoán NKVM. Kết quả nghiên cứu chỉ 
ra, không có sự khác biệt về sốt giữa bệnh nhân bị 
NKVM và không bị NKVM (P = 0,10). Vì thế sốt không 
phải là tiêu chuẩn chẩn đoán cho NKVM mà chỉ là 
biểu thị của một tình trạng viêm nói chung [13], [16].
Tình trạng vết mổ
Sau mổ, do quá trình viêm, bệnh nhân có thể có 
sưng, nóng, đỏ, đau nhẹ vết mổ. Theo tiêu chuẩn 
của CDC về chẩn đoán NKVM, đối với NKVM nông 
17
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y Dược Huế - Tập 8, số 5 - tháng 10/2018
để chẩn đoán thì bác sĩ điều trị phải mở bung vết 
mổ khi bệnh nhân có các dấu hiệu viêm hoặc có chảy 
mủ từ vết mổ hoặc phân lập được vi khuẩn từ vết 
mổ. Như vậy không có bệnh nhân nào trong nghiên 
cứu của chúng tôi bị nhiễm khuẩn vết mổ nông. Còn 
để chẩn đoán NKVM sâu khi bệnh nhân sốt hoặc có 
dấu hiệu viêm như trên thì phải kèm theo vết mổ 
hở bằng chứng của NKVM sâu như áp xe, viêm đĩa 
đệm, viêm đốt sống khi thăm khám lâm sàng, mổ 
thám sát, giải phẫu bệnh hoặc các phương tiện hình 
ảnh tự nhiên hoặc được bác sĩ điều trị mở ra hoặc 
có chảy mủ từ vết mổ [10]. Như vậy, không có bệnh 
nhân nào trong nghiên cứu của chúng tôi thỏa mãn 
tiêu chuẩn chẩn đoán NKVM sâu. 
Tái khám sau 1 tháng
Kết quả tái khám sau 1 tháng: 100% bệnh nhân 
có tình trạng vết mổ tốt, không sốt, không chảy dịch, 
mủ từ vết mổ.
Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ sau phẫu thuật thoát 
vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trong nghiên cứu của 
chúng tôi là 0,0%. Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp 
với nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Giang (2014), 
nghiên cứu can thiệp trên 60 bệnh nhân được chia 
ngẫu nhiên vào 2 nhóm sử dụng KSDP và sử dụng 
kháng sinh điều trị, tỷ lệ NKVM sau phẫu thuật cột 
sống nói chung trên cả 2 nhóm bệnh nhân là 0,0% 
[3]. Theo nghiên cứu bệnh chứng của Friedman 
(2007) trên 6.365 bệnh nhân phẫu thuật cắt bảng 
sống, tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ là 1,0% [11]. Nghiên 
cứu thuần tập của Saeed (2015) trên 987 bệnh nhân 
trải qua các phẫu thuật cột sống khác nhau (đều là 
các phẫu thuật sạch), các bệnh nhân đều dùng kháng 
sinh cephazolin dự phòng trước mổ, tỷ lệ NKVM là 
2,73% [16]. Nghiên cứu hồi cứu của Albert (2010) 
trên 3.174 bệnh nhân phẫu thuật cột sống chung có 
sử dụng kháng sinh dự phòng cephalosporin I trước 
mổ 30 phút và dùng đến 24 giờ sau mổ, tỷ lệ NKVM 
là 4,2% [7]. Điều này có thể giải thích là do nghiên 
của Saeed và của Albert tiến hành trên phẫu thuật 
ngoại thần kinh nói chung, nên tỷ lệ nhiễm trùng 
sẽ tăng cao hơn vì phẫu thuật mở cửa sổ xương có 
tỷ lệ NKVM khá thấp so với các phẫu thuật ngoại 
thần kinh khác như phẫu thuật cố định cột sống, 
phẫu thuật bắt vít, phẫu thuật cắt bảng sống, phẫu 
thuật đặt dẫn lưu não thất, phẫu thuật bóc u não 
[7],[11], đồng thời tỷ lệ NKVM cũng khác nhau ở 
các vị trí phẫu thuật cột sống khác nhau (cổ, lưng, 
thắt lưng) [11]. So với nghiên cứu của Friedman và 
Saeed, cỡ mẫu trong nghiên cứu của chúng tôi nhỏ 
nên có thể chưa phản ánh đúng tỷ lệ NKVM, tương 
tự như nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Giang. Như 
vậy, hiệu quả phòng NKVM của KSDP trong nghiên 
cứu của chúng tôi tương đương với các nghiên cứu 
dùng kháng sinh điều trị cũng như dùng kháng sinh 
dự phòng khác. 
Về liệu trình dùng kháng sinh dự phòng, theo 
nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của Hiroshi (2009) 
trên 1.415 bệnh nhân phẫu thuật cột sống, được 
chia làm 4 nhóm; nhóm 1: chỉ sử dụng kháng sinh 7 
ngày sau mổ. Nhóm 2: bắt đầu sử dụng kháng sinh 
dự phòng lúc bắt đầu gây mê, sử dụng thêm 5 ngày 
sau đó, kể cả ngày mổ. Nhóm 3: bắt đầu sử dụng 
kháng sinh dự phòng lúc bắt đầu gây mê, sử dụng 
thêm 3 ngày sau đó, kể cả ngày mổ. Nhóm 4: bắt 
đầu sử dụng kháng sinh dự phòng lúc bắt đầu gây 
mê, sử dụng thêm 2 ngày sau đó, kể cả ngày mổ. 
Kết quả nhiễm trùng lần lượt ở 4 nhóm như sau: 
2,6%, 0,9%, 0,0% và 0,0%. Vì nghiên cứu trên từng 
nhóm bệnh nhân xảy ra ở những khoảng thời gian 
khác nhau từ năm 1990 đến năm 2008, bệnh nhân 
từ nhóm 2 trở đi có sự kiểm soát chặt chẽ về các 
biện pháp dự phòng NKVM như giảm thời gian nằm 
viện trước mổ, làm sạch vùng mổ bằng Povidon - 
iod, rửa tay trước và sau khi thay băng nên nghiên 
cứu chỉ kết luận khi kiểm soát chặt chẽ các biện 
pháp dự phòng, tỷ lệ NKVM sẽ giảm với việc giảm 
thời gian dùng kháng sinh từ 7 ngày xuống 2 ngày 
[15]. Một thử nghiệm lâm sàng phân nhóm ngẫu 
nhiên có đối chứng của Guppta (2010) so sánh liệu 
trình kháng sinh dự phòng 48 giờ và 72 giờ trên 235 
bệnh nhân trưởng thành phẫu thuật tim như phẫu 
thuật bắc cầu chủ vành, phẫu thuật thay van. Tỷ lệ 
nhiễm trùng là 7,6% trong nhóm dùng kháng sinh dự 
phòng 48 giờ và 10,2% trong nhóm dùng kháng sinh 
dự phòng 72 giờ và sự khác biệt không có ý nghĩa 
thống kê (p>0,05) [14]. Vì vậy, liệu trình kháng sinh 
dự phòng 48 giờ trong nghiên cứu của chúng tôi là 
có cơ sở và đảm bảo được hiệu quả phòng NKVM 
tốt nhất. 
Về phác đồ kháng sinh dùng trong nghiên cứu 
của chúng tôi: kháng sinh nhóm beta - lactamase 
(ceftizoxim) kết hợp với kháng sinh nhóm 
aminoglycosid (amikacin) dùng trước mổ 30 phút 
và kéo dài 48 giờ sau mổ. Vancomycin dạng bột tại 
phẫu trường trước khi kết thúc cuộc mổ. Mục đích 
của kết hợp 2 nhóm kháng sinh beta - lactamase và 
aminoglycosid nhằm mở rộng phổ kháng khuẩn lên 
các vi khuẩn gram âm có thể gây NKVM [1]. Về tác 
dụng của vancomycin dạng bột đối với dự phòng 
NKVM, có một số nghiên cứu về vấn đề này. Một 
phân tích tổng hợp gồm 9 nghiên cứu đối chứng 
chia bệnh nhân phẫu thuật cột sống ra thành 2 
nhóm, nhóm sử dụng vancomycin dạng bột và nhóm 
chứng không sử dụng vancomycin, kết quả cho thấy 
tỷ lệ NKVM ở nhóm chứng gấp khoảng 3 lần nhóm 
sử dụng vancomycin, cụ thể, nhóm điều trị với 
18
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y Dược Huế - Tập 8, số 5 - tháng 10/2018
vancomycin là 1,1%, ở nhóm chứng là 3,9% (p<0,01) 
Nancy. Vancomycin dạng bột sử dụng tại chỗ được 
ưa chuộng vì hạn chế được các độc tính khi dùng 
đường toàn thân đồng thời đảm bảo đủ nồng độ 
kháng sinh tại vết mổ [16].
4.2. Đánh giá hiệu quả kinh tế của kháng sinh 
dự phòng
Chi phí tiền thuốc kháng sinh
Trung bình, chi phí thuốc kháng sinh cho một 
bệnh nhân dùng kháng sinh dự phòng là 352.296 
đồng. Chi phí kháng sinh cho một bệnh nhân dùng 
kháng sinh thông thường trong thời gian 7 ngày là 
749.700 đồng. Trung bình mỗi bệnh nhân tiết kiệm 
được 397.404 đồng. Với 54 bệnh nhân chúng tôi tiết 
kiệm được 21.459.816 đồng tiền thuốc kháng sinh. 
Do đó, nếu triển khai rộng rãi quy trình kháng sinh 
dự phòng cho bệnh nhân phẫu thuật thoát vị đĩa 
đệm cột sống thắt lưng nói riêng và các phẫu thuật 
sạch, sạch nhiễm ít có yếu tố nguy cơ thì sẽ tiết kiệm 
được một chi phí không nhỏ cho việc mua thuốc 
kháng sinh. Đặt biệt, với những bệnh nhân không 
có bảo hiểm y tế thì việc tiết kiệm này rất có ý nghĩa.
Theo khuyến cáo của Hội Dược sĩ Hoa Kỳ 
(American Society of Health System Pharmacist 
- ASHP) kháng sinh nên được dùng để dự phòng 
NKVM là kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin thế 
hệ I hoặc II vì có phổ kháng khuẩn lên các vi khuẩn 
gram dương hay gặp gây NKVM [9]. Tuy nhiên trong 
điều kiện hiện tại ở Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, 
chúng tôi sử dụng KSDP bao gồm cephalosporin thế 
hệ III kết hợp Amikacin vì vẫn còn tâm lý lo lắng tình 
trạng phòng mổ không đạt chuẩn vô khuẩn. Việc sử 
dụng KSDP phối hợp như vậy liệu có hiệu quả hơn sử 
dụng KSDP với cephalosporin thế hệ III đơn thuần là 
một vấn đề cần được nghiên cứu thêm 
Các chi phí khác
Giảm số lần tiêm kháng sinh không những tiết 
kiệm được số tiền thuốc mà còn tiết kiệm được các 
dụng cụ tiêu hao đi kèm việc tiêm thuốc (bơm tiêm, 
bông băng, cồn...) và giảm bớt công việc tiêm truyền 
cho các nhân viên y tế và công việc thu dọn rác thải 
cho nhân viên vệ sinh. Theo nghiên cứu của chúng 
tôi, mỗi bệnh nhân giảm được 16 mũi tiêm, như vậy, 
với 54 bệnh nhân, chúng tôi giảm được 864 mũi 
tiêm. Trong điều kiện làm việc quá tải tại các bệnh 
viện trên cả nước hiện nay, điều này cũng thật sự 
có ý nghĩa. Giảm 36.479.160 đồng tiền giường cho 
bệnh nhân do rút ngắn thời gian nằm viện sau mổ.
Trong các nghiên cứu trong nước khác, KSDP 
cũng mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Theo nghiên cứu 
thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng của 
Nguyễn Thị Huệ (2007), mỗi bệnh nhân trong nhóm 
nghiên cứu tiết kiệm được 349.165 đồng tiền thuốc 
kháng sinh [5]. Trong một nghiên cứu thử nghiệm 
lâm sàng khác của Nguyễn Thị Thu Giang (2014), mỗi 
bệnh nhân thuộc nhóm nghiên cứu tiết kiệm được 
1.881.022 đồng tiền thuốc kháng sinh [3].
5. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu 54 bệnh nhân sử dụng kháng 
sinh dự phòng trong phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột 
sống thắt lưng tại khoa ngoại tiết niệu - thần kinh 
Bệnh viện Đại học Y Dược Huế từ 3/2017 - 5/2018, 
tôi rút ra được một số kết luận sau:
Về hiệu quả của kháng sinh dự phòng nhiễm 
khuẩn vết mổ sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột 
sống thắt lưng: 100% bệnh nhân từ sau mổ đến khi 
ra viện không có dấu hiệu nhiễm khuẩn, 100% bệnh 
nhân tái khám sau 1 tháng không có dấu hiệu nhiễm 
khuẩn.
Hiệu quả kinh tế: mỗi bệnh nhân tiết kiệm được 
397.404 đồng tiền thuốc kháng sinh. Với 54 bệnh 
nhân, chúng tôi tiết kiệm được 21.459.816 đồng 
tiền thuốc kháng sinh. Kết quả nghiên cứu ban đầu 
cho thấy KSDP trong điều kiện phòng mổ không đạt 
chuẩn vẫn có kết quả tốt.
6. KIẾN NGHỊ
Tiến hành nghiên cứu đối chứng ngẫu nhiên giữa 
nhóm KSDP và kháng sinh điều trị trên các bệnh 
nhân được mổ thoát vị đĩa đệm để đưa đến kết luận 
có tính bằng chứng khoa học cao hơn về hiệu quả 
của việc sử dụng KSDP trong điều kiện phòng mổ 
không đạt chuẩn vô khuẩn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Quốc Anh (2003), Nghiên cứu một số yếu 
tố trong phòng mổ và điều tra nhiễm khuẩn vết mổ ngoại 
khoa tại bệnh viện Bạch Mai, Luận văn tốt nghiệp bác sĩ 
chuyên khoa cấp II. 
2. Hướng dẫn phòng ngừa nhiễm khuẩn vết mổ 
(2012), Bộ Y tế.
3. Nguyễn Thị Thu Giang, Kiều Đình Hùng, Nguyễn Thị 
Hiền, (2014), Bước đầu đánh giá hiệu quả của kháng sinh 
19
Tạp chí Y Dược học - Trường Đại học Y Dược Huế - Tập 8, số 5 - tháng 10/2018
dự phòng Cefuroxim trong phẫu thuật cột sống tại khoa 
ngoại bệnh viện Đại học Y hà Nội , Y học TP. Hồ Chí Minh, 
tập 18, phụ bản của số 6.
4. Nguyễn Việt Hùng và cs. (2008), Đặc điểm dịch tễ 
học nhiễm khuẩn vết mổ và tình hình sử dụng kháng sinh ở 
bệnh nhân phẫu thuật tại một số bệnh viện tỉnh phía Bắc, 
Y học Thực hành (705)-số 2/2010.
5. Nguyễn Thị Huệ (2007), nghiên cứu úng dụng 
augmentin dự phòng nhiễm khuẩn trong phẫu thuật cột 
sống tại bệnh viện Việt Đức (11/2016 - 11/2017). Luận văn 
thạc sĩ dược học, trường Đại học Dược Hà Nội, Hà Nội.
6. Ahmed M.A., Samir A.B., (2016), Surgical Site 
Infections in Developing Countries: Current Burden and 
Future Challenges, Clin Microbiol, 136.
7. Albert F.P., Ahmed S.M, Richard L., (2010), The 
Presentation, Incidence, Etiology, and Treatment of 
Surgical Site Infections after Spinal Surgery, Spine, 35, pp. 
1323-1328.
8. Alexa M.D., Frank J.Y., Akbar Y.M., (2017), Reduced 
Surgical Site Infection Rates Following Spine Surgery Using 
an Enhanced Prophylaxis Protocol, Cureus, 9, pp. 1139.
9. ASHP clinical practice guidelines for antimicrobial 
prophylaxis in surgery (2013), American Society of Health 
System Pharmacist, American Journal of Health-System 
Pharmacy,70 , pp. 195-283.
10. Centers for Disease Control and Prevention, 
Guideline for the Prevention of Surgical Site Infection, 
(2017)
11. Friedman N.D., Sexton D.J., Connelly S.M., 
(2007), Risk factors for surgical site infection complicating 
laminectomy, Infect Control Hosp Epidemiol, 28, pp. 
1060–1510.
12. Galicier C., Richet H.A.(1985), Prospective study 
of postoperative fever in a general surgery department. 
Infect Control, 6, pp. 487-490.
13. Garibaldi R.A, Brodine S., Matsumiya S., (1985), 
Evidence for the non-infectious etiology of early 
postoperative fever, Infect Control, 6, pp. 273–277.
14. Gupta A., Hote M.P., Choudhury M., 
(2010), Comparison of 48 h and 72 h of prophylactic 
antibiotic therapy in adult cardiac surgery: a randomized 
double blind controlled trial, J Antimicrob Chemother, 65, 
pp. 1036-1041.
15. Hiroshi T., Akihito W., Yasuaki I., (2009), 
Antimicrobial prophylaxis for spinal surgery, Department 
of Orthopaedic Surgery, Toho University Medical Care 
Center, Ohmori Hospital, Ohmori-nishi, Ohta-ku, Tokyo, 
Japan.
16. Ilker U. Americo A., Richard S., (2011), Occurrence 
of fever in the first postoperative week does not help 
to diagnose infection in clean orthopaedic surgery, Int 
Orthop, 35, pp. 1257–1260.
17. Nancy A. Melville, (2015), Vancomycin Powder 
Shown Useful in Spinal Surgery, Medscape.
18. Saeed S., Mohsen N., Amir A., (2015), The 
incidence and risk factors for surgical site infection after 
clean spinal operations: A prospective cohort study and 
review of the literature, Surg Neurol Intm, 6, pp. 154.

File đính kèm:

  • pdfdanh_gia_hieu_qua_cua_khang_sinh_du_phong_trong_phau_thuat_t.pdf