Đặc điểm lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da tiết bã khám tại bệnh viện da liễu thành phố Hồ Chí Minh

Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da tiết bã.

Đối tượng và phương pháp: Báo cáo hàng loạt ca. Tổng cộng 126 bệnh nhân viêm da tiết bã được chọn vào

nghiên cứu từ tháng 10/2015 đến tháng 05/2016. Các số liệu được thu thập dựa trên phỏng vấn trực tiếp và

khám lâm sàng.

Kết quả: Tỉ lệ bệnh nhân nam chiếm 53,2%. Tuổi trung vị là 27,5 tuổi. Trung vị thời gian bệnh là 36

tháng. Tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng ngứa chiếm 76,2%. Vị trí thương tổn thường gặp nhất ở da đầu

(96,0%) và mặt (78,6%). Trung vị độ nặng là 1,6 điểm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ nặng của

bệnh giữa nam và nữ (2,1 ± 1,1 điểm so với 1,6 ± 1,0 điểm; p = 0,01). Điểm trung bình DLQI là 8,9 ± 5,2

điểm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa độ nặng của bệnh với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân (OR

= 4,8; KTC 95%: 2,1-10,7; p <>

Kết luận: Bệnh nhân viêm da tiết bã thường có triệu chứng ngứa. Đa số bệnh nhân đều có thương tổn trên

da đầu. Nam giới bị bệnh nặng hơn so với nữ (p=0,01). Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng ở mức

độ trung bình. Độ nặng của bệnh liên quan có ý nghĩa thống kê với chất lượng cuộc sống (p<>

pdf 7 trang kimcuc 5540
Bạn đang xem tài liệu "Đặc điểm lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da tiết bã khám tại bệnh viện da liễu thành phố Hồ Chí Minh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đặc điểm lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da tiết bã khám tại bệnh viện da liễu thành phố Hồ Chí Minh

Đặc điểm lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da tiết bã khám tại bệnh viện da liễu thành phố Hồ Chí Minh
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 313
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG 
CỦA BỆNH NHÂN VIÊM DA TIẾT BÃ KHÁM TẠI BỆNH VIỆN DA LIỄU 
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 
Tchiu Bích Xuân*, Lê Ngọc Diệp** 
TÓM TẮT 
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da tiết bã. 
Đối tượng và phương pháp: Báo cáo hàng loạt ca. Tổng cộng 126 bệnh nhân viêm da tiết bã được chọn vào 
nghiên cứu từ tháng 10/2015 đến tháng 05/2016. Các số liệu được thu thập dựa trên phỏng vấn trực tiếp và 
khám lâm sàng. 
Kết quả: Tỉ lệ bệnh nhân nam chiếm 53,2%. Tuổi trung vị là 27,5 tuổi. Trung vị thời gian bệnh là 36 
tháng. Tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng ngứa chiếm 76,2%. Vị trí thương tổn thường gặp nhất ở da đầu 
(96,0%) và mặt (78,6%). Trung vị độ nặng là 1,6 điểm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ nặng của 
bệnh giữa nam và nữ (2,1 ± 1,1 điểm so với 1,6 ± 1,0 điểm; p = 0,01). Điểm trung bình DLQI là 8,9 ± 5,2 
điểm. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa độ nặng của bệnh với chất lượng cuộc sống của bệnh nhân (OR 
= 4,8; KTC 95%: 2,1-10,7; p < 0,001). 
Kết luận: Bệnh nhân viêm da tiết bã thường có triệu chứng ngứa. Đa số bệnh nhân đều có thương tổn trên 
da đầu. Nam giới bị bệnh nặng hơn so với nữ (p=0,01). Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng ở mức 
độ trung bình. Độ nặng của bệnh liên quan có ý nghĩa thống kê với chất lượng cuộc sống (p<0,001). 
Từ khóa: Viêm da tiết bã 
ABSTRACT 
CLINICAL CHARACTERISTICS AND QUALITY OF LIFEIN SEBORRHEIC DERMATITIS 
PATIENTSAT HOCHIMINH CITY HOSPITAL OF DERMATO-VENEREOLOGY 
Tchiu Bich Xuan, Le Ngoc Diep * Y Hoc TP. Ho Chi Minh * Supplement Vol. 22 - No 3- 2018: 313- 319 
Objectives: To determine the clinical characteristics of seborrheic dermatitis and its impact on patients’ 
quality of life. 
Methods: Case series. A total of 126 patients with seborrheic dermatitis were enrolled into the study from 
10/2015 to 05/2016. The data was collected by interviewing and examination. 
Results: 53.2% of cases were male. Median age of participants was 27.5 years. The median duration of 
disease was 36 months. Itchiness was observed in 76,2 % of the study population. The most involved areas were 
scalp (96.0%) and face (78.6%). The median severity score was 1,6 points. There was statistically significant 
difference between men and women in severity of disease (men: 2.1 ± 1.1 points vs. women: 1.6 ± 1.0 points; p = 
0.01). The mean DLQI score was 8,9 ± 5,2 points. There was statistically significant difference between the two 
DLQI categories regarding severity of disease (OR = 4.8; 95% CI: 2.1-10.7; p < 0.001). 
Conclusion: Patients usually had symptom of itchiness. The majority of cases had involvement of scalp. 
Male patients had more severe disease than female (p = 0,01). Seborrheic dermatitis had a moderate impact on the 
* Bộ môn Da liễu Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch 
** Bộ môn Da Liễu Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh 
Tác giả liên lạc: ThS.BS. Tchiu Bích Xuân ĐT: 0986127255 Email: tchiubichxuan@gmail.com 
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 314
quality of life. More severe disease was significantly associated with higher DLQI scores (p < 0.001). 
Keywords: Seborrheic dermatitis 
ĐẶT VẤN ĐỀ 
Viêm da tiết bã là bệnh da mạn tính thường 
gặp ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và người lớn. Bệnh ở 
trẻ nhỏ tự khỏi trong ba tháng tuổi đầu nhưng 
bệnh ở người lớn thường kéo dài. Tỉ lệ bệnh 
chiếm 1-5% dân số chung nhưng tỉ suất mới mắc 
thì cao hơn nhiều(3). Theo thống kê tại các bệnh 
viện và phòng khám da liễu, viêm da tiết bã là 
một trong mười bệnh thường gặp nhất ở các 
bệnh nhân đến khám với tỉ lệ 2,2-3,2%(2,7). 
Bệnh có thể liên quan với nấm Malassezia, bất 
thường hệ miễn dịch, hoạt động tuyến bã và tính 
nhạy cảm bệnh nhân. Thương tổn thường là 
những dát, mảng giới hạn rõ bề mặt tróc vảy mỡ 
màu vàng, đỏ hay nâu phân bố ở những vùng có 
nhiều tuyến bã như: da đầu, mặt, ngực, lưng. 
Mặc dù có nhiều thuốc được dùng để điều trị 
bệnh, nhưng việc điều trị chỉ nhằm kiểm soát 
bệnh chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn(3). 
Những triệu chứng, sự tái phát của bệnh và 
tác động về mặt thẩm mỹ đã ảnh hưởng đến 
chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chất lượng 
cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng về mọi 
mặt: thực thể, tâm lý, hoạt động hằng ngày, 
những hoạt động trong thời gian nhàn rỗi, công 
việc làm và học tập, mối quan hệ với người xung 
quanh và những khó khăn của việc điều trị gây 
ra(10,13). Khi bệnh càng nặng thì chất lượng cuộc 
sống càng bị ảnh hưởng(12,13). 
Trên thế giới và tại Việt Nam, hiện có ít 
nghiên cứu khảo sát về đặc điểm lâm sàng và 
chất lượng cuộc sống của bệnh nhân viêm da 
tiết bã. Do đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu 
này nhằm làm rõ về đặc điểm lâm sàng của 
bệnh viêm da tiết bã ở nước ta và đánh giá 
mức độ ảnh hưởng của bệnh đến đời sống của 
bệnh nhân. 
ĐỐI TƯỢNG - PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 
Đây là nghiên cứu báo cáo hàng loạt ca gồm 
126 bệnh nhân từ 16 tuổi trở lên được chẩn đoán 
viêm da tiết bã trên lâm sàng đến khám tại Bệnh 
viện Da Liễu TPHCM từ tháng 10/2015 đến 
tháng 05/2016. Những bệnh nhân được chọn vào 
mẫu là những người chưa từng được điều trị 
hay đã ngưng điều trị với thuốc thoa, dầu gội ít 
nhất 2 tuần và ngưng điều trị với thuốc kháng 
nấm uống ít nhất 4 tuần. Đối với những trường 
hợp chẩn đoán không rõ ràng, bệnh nhân có các 
bệnh da khác hay bệnh hệ thống nghiêm trọng 
mà có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống 
được loại trừ ra nghiên cứu. 
Những trường hợp thỏa tiêu chuẩn chọn 
mẫu sẽ được phỏng vấn trực tiếp. Nội dung 
phỏng vấn bao gồm: giới tính, năm sinh, nơi ở 
hiện tại, dân tộc, trình độ học vấn, thời gian 
bệnh, tình trạng bệnh, sự tái phát bệnh, tình 
trạng ngứa. Sau đó bệnh nhân được khám lâm 
sàng ghi nhận vị trí thương tổn, phân loại độ 
nặng của bệnh theo hệ thống điểm SDASI 
(Seborrheic dermatitis area severity index). Hệ 
thống điểm SDASI dựa vào mức độ hồng ban, 
tróc vảy, dày da của chín vùng khác nhau. Điểm 
triệu chứng của mỗi vị trí được nhân cho hằng 
số tương ứng của mỗi vị trí đó và tổng điểm 
SDASI có giá trị từ 0 đến 12,6 điểm (4). Cuối cùng, 
bệnh nhân được đánh giá chất lượng cuộc sống 
bằng bảng câu hỏi chỉ số chất lượng cuộc sống 
về bệnh da DLQI (Dermatology Life Quality 
Index). Chúng tôi sử dụng bảng câu hỏi này với 
sự cho phép của tác giả Andrew Y Finlay. Bảng 
DLQI bao gồm 10 câu hỏi, điểm mỗi câu được 
chấm từ 0 đến 3 điểm tùy theo mức độ ảnh 
hưởng. Điểm DLQI được tính bằng cách lấy tổng 
số điểm của mỗi câu hỏi và có giá trị từ 0 đến 30 
điểm. Điểm số càng cao chất lượng cuộc sống 
càng bị giảm sút và được phân thành các mức 
độ: 0-1 điểm: không ảnh hưởng đến cuộc sống, 
2-5 điểm: ảnh hưởng ít, 6-10 điểm: ảnh hưởng 
trung bình, 11-20 điểm: ảnh hưởng nhiều, 21-30 
điểm: ảnh hưởng rất nhiều(15). 
Xử lí và phân tích số liệu bằng phần mềm 
SPSS 16. Dùng phép kiểm Chi bình phương hay 
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 315
phép kiểm Fisher’s chính xác để so sánh hai tỉ lệ. 
Dùng phép kiểm Independent-Samples T hay 
phép kiểm One-Way Anova để so sánh hai hay 
nhiều số trung bình. Nếu biến định lượng không 
tuân theo phân phối chuẩn thì sử dụng các phép 
kiểm định phi tham số. Các kiểm định có p < 0,05 
được xem là có ý nghĩa thống kê. Các yếu tố liên 
quan được phân tích bằng mô hình hồi quy 
logistic đa biến để kiểm soát tác động của các 
yếu tố còn lại. 
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 
Đặc điểm dịch tễ và đặc điểm lâm sàng 
Tỉ lệ bệnh nhân nam chiếm 53,2%. Bệnh 
nhân có độ tuổi 16-57 tuổi. Tuổi trung vị là 27,5 
tuổi, bách phân vị thứ 25 là 22 tuổi và bách phân 
vị thứ 75 là 37 tuổi. Nhóm tuổi thường gặp nhất 
là 20-29 tuổi (46,0%), kế đến là nhóm 30-39 tuổi 
(23,0%) và nhóm 40-49 tuổi (15,9%), bệnh ít gặp ở 
nhóm 16-19 tuổi (9,5%) và nhóm ≥ 50 tuổi (5,6%). 
Đa số bệnh nhân đều đang sống tại TPHCM 
(81,7%). Trình độ học vấn bao gồm: cấp 1 và 2 
(21,4%), cấp 3 (22,2%), cao đẳng, đại học (56,3%). 
Trung vị thời gian bệnh là 36 tháng với bách 
phân vị thứ 25 là 12 tháng và bách phân vị thứ 
75 là 61,5 tháng. Tình trạng bệnh bao gồm bệnh 
lần đầu, mạn tính tái phát và kéo dài liên tục 
với tỉ lệ lần lượt là 5,6%; 47,6%; 46,8%. Đối với 
bệnh nhân bị bệnh mạn tính tái phát, 65,0% 
bệnh nhân tái phát trên 5 lần mỗi năm. Bệnh 
nhân có triệu chứng ngứa chiếm 76,2%, với tỉ lệ 
ngứa nhẹ, trung bình và nặng lần lượt là 32,5%; 
29,4%; 14,3%. Vị trí thương tổn thường gặp ở da 
đầu (96,0%) và mặt (78,6%), kế đến là tai 
(61,1%) và sau tai (48,4%). Thương tổn ít gặp ở 
lưng (7,9%), ngực (7,1%), cổ (1,6%). Tỉ lệ bệnh 
nhân chỉ có thương tổn trên da đầu chiếm 
13,5%. Trung vị độ nặng của bệnh là 1,6 điểm 
với bách phân vị thứ 25 là 1,0 điểm và bách 
phân vị thứ 75 là 2,6 điểm. 
Chất lượng cuộc sống 
Điểm trung bình DLQI là 8,9 ± 5,2 điểm, 
thấp nhất là 1 điểm và cao nhất là 21 điểm. 
Điểm DLQI cao nhất ở câu số 2 (gây bối rối, 
mặc cảm) và câu số 7 (ảnh hưởng đến công 
việc, học tập). 2,4% bệnh nhân không bị ảnh 
hưởng đến chất lượng cuộc sống. Những bệnh 
nhân còn lại có chất lượng cuộc sống bị ảnh 
hưởng ở mức độ ít, trung bình, nhiều và rất 
nhiều với tỉ lệ lần lượt là 27,0%; 35,7%; 33,3%; 
1,6%. Như vậy, tỉ lệ bệnh nhân có chất lượng 
cuộc sống bị ảnh hưởng ở mức trung bình đến 
rất nhiều (từ 6-30 điểm) là 70,6%. 
Liên quan giữa yếu tố dịch tễ với độ nặng của 
bệnh 
Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ nặng 
trung bình của bệnh giữa nam và nữ (p = 0,01). 
Độ nặng trung bình của bệnh ở nam cao hơn nữ. 
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ 
nặng của bệnh giữa các nhóm tuổi, nơi ở, trình 
độ học vấn (p > 0,05). 
Bảng 1: Liên quan giữa yếu tố dịch tễ và độ nặng của 
bệnh 
Yếu tố dịch tễ Độ nặng trung bình p 
Giới tính 
Nam 2,1 ± 1,1 
0,01 
Nữ 1,6 ± 1,0 
Tuổi 
< 30 1,9 ± 1,0 
0,66 
≥ 30 1,8 ± 1,1 
Nơi ở 
TPHCM 1,9 ± 1,1 
0,45 
Khác 2,0 ± 1,0 
Trình độ học vấn 
Cấp 1,2 2,0 ± 1,1 
0,49 Cấp 3 1,7 ± 1,0 
Đại học, cao đẳng 1,9 ± 1,1 
Liên quan giữa yếu tố dịch tễ, đặc điểm lâm 
sàng với chất lượng cuộc sống 
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê 
giữa giới tính, tuổi, nơi ở, trình độ học vấn với 
chất lượng cuộc sống. 
Trung vị thời gian bệnh, tình trạng ngứa, vị 
trí chỉ ở da đầu, trung vị độ nặng liên quan có ý 
nghĩa thống kê với chất lượng cuộc sống (p < 
0,05). Không có sự khác biệt này có ý nghĩa 
thống kê giữa tình trạng bệnh, sự tái phát, vị trí 
thương tổn ở mặt với chất lượng cuộc sống của 
bệnh nhân. 
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 316
Bảng 2: Liên quan giữa yếu tố dịch tễ và chất lượng 
cuộc sống 
Yếu tố dịch tễ 
Điểm DLQI 
p 0 – 5 
(n = 37) 
6 – 30 
(n = 89) 
Giới tính, n (%) 
Nam 15 (40,5) 52 (58,4) 
0,07 
Nữ 22 (59,5) 37 (41,6) 
Nhóm tuổi, n (%) 
< 30 18 (48,6) 52 (58,4) 
0,31 
≥ 30 19 (51,4) 37 (41,6) 
Nơi ở, n (%) 
TPHCM 32 (86,5) 71 (79,8) 
0,37 
Khác 5 (13,5) 18 (20,2) 
Trình độ học vấn, n (%) 
Cấp 1, 2 11 (29,7) 16 (18,0) 
0,25 Cấp 3 9 (24,3) 19 (21,3) 
Cao đẳng, đại học 17 (45,9) 54 (60,7) 
Bảng 3: Liên quan giữa đặc điểm lâm sàng và chất 
lượng cuộc sống 
Đặc điểm lâm sàng 
Điểm DLQI 
p 
0 - 5 6 - 30 
Trung vị thời gian bệnh 
(tháng) 
24 42 0,006 
Tình trạng bệnh, n (%) 
Bệnh lần đầu 3 (15,0) 4 (8,5) 
0,42
Mạn tính tái phát 17 (85,0) 43 (91,5) 
Bệnh lần đầu 3 (15,0) 4 (8,7) 
0,43
Kéo dài liên tục 17 (85,0) 42 (91,3) 
Mạn tính tái phát 17 (50,0) 43 (50,6) 
0,95
Kéo dài liên tục 17 (50,0) 42 (49,4) 
Tái phát, n (%) 
≤ 5 lần/năm 8 (47,1) 13 (30,2) 
0,22
˃ 5 lần/năm 9 (52,9) 30 (69,8) 
Ngứa, n (%) 
Trung bình, nhiều 6 (16,2) 49 (55,1) 
< 0,001
Không hay ít 31 (83,8) 40 (44,9) 
Vị trí, n (%) 
Mặt 27 (73,0) 72 (80,9) 
0,32
Không bị mặt 10 (27,0) 17 (19,1) 
Chỉ bị da đầu 9 (24,3) 8 (9,0) 
0,04
Khác 28 (75,7) 81 (91,0) 
Trung vị độ nặng (điểm) 1,0 2,2 < 0,001 
Bảng 4: Phân tích đa biến các đặc điểm lâm sàng liên 
quan đến chất lượng cuộc sống 
Đặc điểm lâm sàng OR KTC 95% p 
Thời gian bệnh 1,012 0,997-1,027 0,11 
Ngứa 2,262 0,727-7,036 0,16 
Chỉ bị da đầu 0,884 0,247-3,166 0,85 
Độ nặng bệnh 4,771 2,131-10,684 < 0,001 
Nếu điểm độ nặng tăng 1 điểm thì nguy cơ 
chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh 
hưởng ở mức trung bình đến rất nhiều tăng 4,8 
lần (p < 0,001). 
BÀN LUẬN 
Đặc điểm lâm sàng 
Trung vị thời gian bệnh là 36 tháng. Kết quả 
này cũng khá phù hợp với một số nghiên cứu tại 
Việt Nam và trên thế giới. Nghiên cứu của tác 
giả Lý Hữu Đức cho thấy thời gian bệnh trung 
bình là 2,4 năm(8). Theo nghiên cứu của tác giả 
Araya M. và tác giả Oztas P. thì thời gian bệnh 
trung bình là 3 năm và 3,4 năm (1,10). Tuy nhiên, 
nghiên cứu của tác giả Park S. Y. và tác giả Peyri 
J. ghi nhận thời gian bệnh trung bình dài hơn so 
với nghiên cứu của chúng tôi là 6,7 năm và 7 
năm (11,12). Nguyên nhân có thể do tuổi trung bình 
của các bệnh nhân tham gia vào hai nghiên cứu 
này cao hơn so với nghiên cứu của chúng tôi nên 
dẫn đến thời gian bệnh cũng kéo dài hơn. 
Tỉ lệ bệnh mạn tính tái phát (47,6%) và tỉ lệ 
bệnh kéo dài liên tục (46,8%) gần bằng nhau, mỗi 
tỉ lệ này chiếm gần một nửa. Theo nghiên cứu 
của tác giả Araya M. thì tỉ lệ bệnh mạn tính tái 
phát (68,1%) cao hơn tỉ lệ bệnh kéo dài liên tục 
(20,5%) (1). Kết quả của chúng tôi khác so với tác 
giả Araya M. có thể do định nghĩa về tình trạng 
bệnh giữa hai nghiên cứu khác nhau. Chúng tôi 
quy ước tình trạng bệnh như sau: bệnh lần đầu 
là bệnh mới khởi phát và thời gian kéo dài dưới 
3 tháng; bệnh mạn tính tái phát là bệnh từ 3 
tháng trở lên, bệnh tự khỏi hay do điều trị, và tái 
phát lại sau 1-2 tuần; bệnh kéo dài liên tục là 
bệnh từ 3 tháng trở lên, triệu chứng kéo dài liên 
tục hay bị tái lại trong vòng 1 tuần. 
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 317
Đối với bệnh nhân bị bệnh mạn tính tái 
phát, 65,0% bệnh nhân tái phát trên 5 lần mỗi 
năm. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của 
tác giả Lý Hữu Đức với tỉ lệ là 31/49 bệnh 
nhân (63,3%)(8). 
Bệnh nhân có triệu chứng ngứa chiếm 76,2%, 
với tỉ lệ ngứa nhẹ, trung bình và nặng lần lượt là 
32,5%; 29,4%; 14,3%. Theo nghiên cứu của tác giả 
Araya M. thì tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng ngứa 
là 78,9%(1). Kết quả của chúng tôi ghi nhận phù 
hợp với tác giả Araya M. 
Vị trí thương tổn thường gặp nhất là da đầu 
và mặt với tỉ lệ 96,0% và 78,6%. Theo ghi nhận 
của các nghiên cứu khác, da đầu và mặt cũng 
chính là hai vị trí thường gặp. Nghiên cứu của 
tác giả Araya M. cho thấy tỉ lệ ở mặt và da đầu là 
75,3% và 59,0%(1). Nghiên cứu của tác giả Peyri J. 
cho thấy tỉ lệ ở mặt và da đầu là 87,7% và 
70,3%(12). Điều này cũng phù hợp với cơ chế bệnh 
sinh của bệnh khi mà bệnh có liên quan đến hoạt 
động tuyến bã. Thương tổn thường xuất hiện 
chủ yếu ở những vùng da có nhiều tuyến bã 
hoạt động như mặt, da đầu. Tuy nhiên, chỉ có 
lượng chất bã được tạo ra không phải là yếu tố 
nguy cơ quyết định khả năng mắc bệnh. Thành 
phần lipid trên bề mặt da mới là yếu tố liên quan 
đến bệnh. Bệnh nhân bị viêm da tiết bã có sự 
thay đổi thành phần chất bã, tăng triglycerides 
và cholesterol, giảm squalene và axit béo tự do(3). 
Tỉ lệ bệnh nhân chỉ bị trên da đầu chiếm 
13,5%. Nghiên cứu của tác giả Szepietowski J. C. 
ở Ba Lan cho thấy tỉ lệ này là 30,8% (13). Tỉ lệ bệnh 
nhân chỉ bị trên da đầu theo ghi nhận của chúng 
tôi thấp hơn so với tác giả Szepietowski J. C. có 
thể do gàu da đầu là tình trạng thường gặp và 
bệnh nhân có thể dễ dàng mua được dầu gội trị 
gàu trên thị trường, hay do gàu không ảnh 
hưởng gì đến sức khỏe của bệnh nhân nên bệnh 
nhân cảm thấy không cần thiết đến khám tại 
bệnh viện. 
Trung vị độ nặng của bệnh là 1,6 điểm. 
Nghiên cứu của tác giả Emre S. cũng dựa theo hệ 
thống điểm SDASI, cho thấy độ nặng trung bình 
là 2,3 ± 1,0 điểm(6). 
Chất lượng cuộc sống 
Điểm trung bình DLQI là 8,9 ± 5,2 điểm. Kết 
quả của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của 
tác giả Araya M. với điểm trung bình DLQI là 8,1 
± 6,0 điểm (1). Tuy nhiên, điểm trung bình DLQI 
theo ghi nhận của chúng tôi lại cao hơn so với 
nghiên cứu của tác giả Szepietowski J. C. với 6,9 
± 5,3 điểm và nghiên cứu của tác giả Oztas P. với 
3,9 ± 2,8 điểm(10,13). So sánh với một số bệnh da 
khác tại Việt Nam, điểm trung bình DLQI của 
bệnh nhân viêm da tiết bã gần bằng so với bệnh 
chàm bàn tay bàn chân (8,56 ± 3,38 điểm) nhưng 
thấp hơn so với bệnh chàm thể tạng (11,07 ± 6,22 
điểm) và mụn trứng cá (12,95 ± 5,4 điểm)(5,9,14). 
Điểm DLQI cao nhất ở câu số 2 (gây bối rối, 
mặc cảm) và câu số 7 (ảnh hưởng đến công việc, 
học tập). Nghiên cứu của tác giả Araya M. cho 
thấy điểm DLQI cao nhất ở câu số 1 (triệu chứng 
như: ngứa, đau, nhức, rát) và câu số 2 (gây bối 
rối, mặc cảm)(1). 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều 
nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng 
cuộc sống của bệnh nhân và bệnh ảnh hưởng đa 
dạng đến đời sống của bệnh nhân. Bệnh nhân 
cảm thấy bối rối, mặc cảm là do thương tổn xuất 
hiện trên mặt và gàu da đầu gây mất thẩm mỹ. 
Người xung quanh thường nói mặt bệnh nhân bị 
nhiễm nấm, họ thường hỏi tại sao mặt của bệnh 
nhân bị đỏ. Bệnh nhân phải trang điểm để che 
thương tổn, phải để tóc dài hay đội nón để che 
bớt gàu. Động tác gãi đầu làm bệnh nhân cảm 
thấy ngại ngùng, xấu hổ với mọi người. Bệnh 
nhân lo lắng vì bệnh không khỏi dù đã đi điều 
trị, không biết bệnh có lây hay không, sợ bệnh di 
truyền cho con. Về công việc mua sắm, chăm sóc 
nhà cửa hoặc vườn tược, triệu chứng ngứa gây 
bực bội khiến bệnh nhân không muốn đi mua 
sắm, bệnh nhân sợ gàu bay vào thức ăn nên 
không dám nấu ăn, sợ gàu bay làm bẩn nhà cửa. 
Việc lựa chọn trang phục cũng bị ảnh hưởng, 
bệnh nhân phải đội nón để che bớt gàu, gàu rớt 
nhiều xuống áo nên bệnh nhân phải tránh chọn 
Nghiên cứu Y học Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 318
những trang phục màu đen. Về hoạt động xã 
hội, giải trí thì triệu chứng ngứa gây khó chịu đôi 
lúc khiến bệnh nhân không muốn đi chơi với 
bạn bè; bệnh nhân cảm thấy thiếu tự tin khi 
tham gia những hoạt động xã hội, giải trí; ngại ra 
ngoài tiếp xúc ánh nắng vì thấy mặt đỏ nhiều 
hơn. Khi tham gia hoạt động thể thao, mồ hôi ra 
nhiều gây ngứa nhiều hơn. Về công việc và học 
tập, nhiều bệnh nhân vì đi khám bệnh phải nghỉ 
học hay nghỉ làm; triệu chứng ngứa còn làm 
bệnh nhân phải ngưng công việc để gãi đầu, làm 
mất tập trung vào công việc; mất tự tin trong 
công việc giao tiếp. Đối với người thân xung 
quanh, bệnh làm cho người thân cảm thấy lo 
lắng và khuyên bệnh nhân đi khám bệnh. Việc 
điều trị cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh 
nhân. Bệnh nhân mất thời gian chờ lâu khi đi 
khám bệnh, mất thời gian xin giấy chuyển tuyến 
và đi lại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân gặp nhiều 
khó khăn mỗi khi đi khám bệnh do nhà xa. Đôi 
khi mùi xà bông gội đầu đặc trị gây khó chịu. 
Liên quan giữa yếu tố dịch tễ với độ nặng của 
bệnh 
Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ nặng 
trung bình của bệnh giữa nam và nữ (p = 0,01). 
Độ nặng trung bình của bệnh ở nam cao hơn nữ. 
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về độ 
nặng của bệnh giữa các nhóm tuổi, nơi ở và trình 
độ học vấn (p > 0,05). Nghiên cứu của tác giả 
Peyri J. cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống 
kê về độ nặng của các triệu chứng giữa các nhóm 
tuổi, bệnh nhân trên 60 tuổi biểu hiện hồng ban, 
thâm nhiễm và triệu chứng ngứa nặng hơn (12). 
Tuy nhiên, nghiên cứu của tác giả Park S. Y. lại 
ghi nhận có mối tương quan nghịch giữa tuổi và 
độ nặng của bệnh. Bệnh nhân ở nhóm dưới 30 
tuổi có điểm độ nặng cao hơn. Bệnh nhân ở 
nhóm từ 60 tuổi trở lên có điểm độ nặng thấp 
hơn(11). Bệnh nhân lớn tuổi nhất tham gia vào 
nghiên cứu của chúng tôi là 57 tuổi nên chưa thể 
đánh giá được độ nặng của bệnh ở nhóm bệnh 
nhân trên 60 tuổi. Chúng tôi mong rằng những 
nghiên cứu về sau với quy mô lớn hơn sẽ khảo 
sát trên nhiều nhóm tuổi, đặc biệt là bệnh ở trẻ 
em và người cao tuổi. 
Liên quan giữa yếu tố dịch tễ, đặc điểm lâm 
sàng với chất lượng cuộc sống 
Về yếu tố dịch tễ, không có sự khác biệt có ý 
nghĩa thống kê giữa giới tính, tuổi, nơi ở, trình 
độ học vấn với chất lượng cuộc sống của bệnh 
nhân. Nghiên cứu của tác giả Szepietowski J. C. 
với mẫu gồm 3000 ca và cũng sử dụng bảng câu 
hỏi DLQI để đánh giá chất lượng cuộc sống. Kết 
quả cho thấy nữ giới bị ảnh hưởng nhiều đến 
chất lượng cuộc sống hơn so với nam. Bệnh nhân 
lớn tuổi có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Những 
bệnh nhân trình độ học vấn tiểu học có chất 
lượng cuộc sống tốt hơn những bệnh nhân trình 
độ học vấn trung học hay đại học(13). Nghiên cứu 
của chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa 
các yếu tố dịch tễ với chất lượng cuộc sống của 
bệnh nhân có thể do cỡ mẫu nhỏ và nghiên cứu 
còn chưa khảo sát được chất lượng cuộc sống 
của nhóm bệnh nhân cao tuổi. 
Phân tích đơn biến về mối liên quan giữa đặc 
điểm lâm sàng với chất lượng cuộc sống cho 
thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê 
giữa tình trạng bệnh, sự tái phát, vị trí thương 
tổn trên mặt với chất lượng cuộc sống của bệnh 
nhân. Thời gian bệnh, tình trạng ngứa, vị trí chỉ 
ở da đầu, độ nặng của bệnh liên quan có ý nghĩa 
thống kê với chất lượng cuộc sống (p < 0,05). Tuy 
nhiên, khi phân tích đa biến các đặc điểm lâm 
sàng liên quan đến chất lượng cuộc sống cho 
thấy chỉ độ nặng của bệnh liên quan có ý nghĩa 
thống kê với chất lượng cuộc sống. Kết quả này 
cũng phù hợp với một số nghiên cứu khác. 
Nghiên cứu của tác giả Peyri J. cũng cho thấy 
những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ-trung bình 
có tổng điểm Skindex-29 thấp hơn những bệnh 
nhân có triệu chứng nặng-rất nặng, điều này 
chứng tỏ rằng chất lượng cuộc sống càng bị ảnh 
hưởng khi triệu chứng bệnh càng nặng(12). Mặt 
khác, nghiên cứu của tác giả Szepietowski J. C. 
cho thấy bệnh nhân chỉ bị gàu da đầu có chất 
Y Học TP. Hồ Chí Minh * Phụ Bản Tập 22 * Số 3 * 2018 Nghiên cứu Y học
Hội Nghị Khoa Học Kỹ Thuật Trường Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 319
lượng cuộc sống tốt hơn so với bệnh nhân bị 
viêm da tiết bã hay bệnh nhân vừa bị gàu vừa bị 
viêm da tiết bã (p < 0,001)(13). 
KẾT LUẬN 
Tỉ lệ bệnh nhân nam chiếm 53,2%. Tuổi 
trung vị là 27,5 tuổi. Trung vị thời gian bệnh là 
36 tháng. Tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng ngứa 
chiếm 76,2%. Vị trí thương tổn thường gặp nhất 
ở da đầu và mặt với tỉ lệ lần lượt là 96,0% và 
78,6%. Trung vị độ nặng là 1,6 điểm. Sự khác biệt 
có ý nghĩa thống kê về độ nặng của bệnh giữa 
nam và nữ (2,1 ± 1,1 điểm so với 1,6 ± 1,0 điểm; p 
= 0,01). Điểm trung bình DLQI là 8,9 ± 5,2 điểm. 
Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa độ nặng 
của bệnh với chất lượng cuộc sống của bệnh 
nhân (OR = 4,8; KTC 95%: 2,1-10,7; p < 0,001). 
Như vậy, nam giới bị bệnh nặng hơn so với nữ 
và độ nặng của bệnh liên quan có ý nghĩa thống 
kê với chất lượng cuộc sống. Do đó, việc điều trị 
tích cực làm giảm độ nặng của bệnh sẽ giúp 
nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Araya M et al. (2015). Clinical Characteristics and Quality of 
Life of Seborrheic Dermatitis Patients in a Tropical Country. 
Indian Journal of Dermatology, 60 (5): 519. 
2. Bilgili M E et al (2013). Prevalence of skin diseases in a 
dermatology outpatient clinic in Turkey. A cross-sectional, 
retrospective study. Journal of Dermatological Case Reports, 7 (4): 
108-112. 
3. Collins D C and Hivnor C (2012). Seborrheic Dermatitis. 
Fitzpatrick's Dermatology in General Medicine, Vol. 1, 8th 
edition, pp. 259-266. McGraw-Hill, Inc. 
4. Comert A et al (2007). Efficacy of oral fluconazole in the 
treatment of seborrheic dermatitis: a placebo-controlled study. 
American Journal of Clinical Dermatology, 8 (4): 235-238. 
5. Đào Thị Tú Trinh và Nguyễn Tất Thắng (2014). Đặc điểm lâm 
sàng, các yếu tố liên quan và chất lượng cuộc sống ở bệnh 
nhân chàm bàn tay, bàn chân tại bệnh viện Da liễu TPHCM. 
Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 18 (1): 110-116. 
6. Emre S et al (2012). The association of oxidative stress and 
disease activity in seborrheic dermatitis. Archives of 
Dermatological Research, 304 (9): 683-687. 
7. Furue M et al (2011). Prevalence of dermatological disorders in 
Japan: a nationwide, cross-sectional, seasonal, multicenter, 
hospital-based study. The Journal of Dermatology, 38 (4): 310-
320. 
8. Lý Hữu Đức và cs (2008). Yếu tố nguy cơ trong viêm da tiết 
bã. Sinh hoạt khoa học kỹ thuật Da Liễu khu vực phía nam Kỳ I, 19-
25. 
9. Nguyễn Thị Hồng Nhung và Lê Ngọc Diệp (2014). Đặc điểm 
lâm sàng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mụn trứng 
cá tại bệnh viện Da Liễu TPHCM. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí 
Minh, 18 (1): 89-96. 
10. Oztas P et al (2005). Psychiatric tests in seborrhoeic dermatitis. 
Acta dermato-venereologica, 85 (1): 68-69. 
11. Park SY et al (2016). Clinical manifestation and associated 
factors of seborrheic dermatitis in Korea. European Journal 
of Dermatology, 26 (2): 173-176. 
12. Peyri J, Lleonart M (2007). Clinical and therapeutic profile and 
quality of life of patients with seborrheic dermatitis. Actas 
Dermo-Sifiliográficas, 98 (7): 476-482. 
13. Szepietowski JC et al (2009). Quality of life in patients 
suffering from seborrheic dermatitis: influence of age, gender 
and education level. Mycoses, 52 (4): 357-363. 
14. Trình Ngô Bỉnh và Lê Ngọc Diệp (2016). Chất lượng cuộc 
sống bệnh nhân chàm thể tạng người lớn tại bệnh viện da liễu 
TPHCM. Tạp chí Y học TP. Hồ Chí Minh, 20 (2): 40-44. 
15. The Department of Dermatology at Cardiff University "DLQI 
Instructions for use and scoring", 
life/dermatology-quality-of-life-index-dlqi/dlqi-instructions-
for-use-and-scoring/. 
Ngày nhận bài báo: 12/12/2017 
Ngày nhận xét phản biện bài báo: 11/01/2018 
Ngày bài báo được đăng: 20/04/2018 

File đính kèm:

  • pdfdac_diem_lam_sang_va_chat_luong_cuoc_song_cua_benh_nhan_viem.pdf