Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh vấn đề cần quan tâm trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị
Hệ thống hạ tầng xanh là hệ thống hỗ trợ tích cực nhất cho cuộc sống
con người, đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển bền vững. Bài báo này giới thiệu
chức năng và lợi ích quan trọng của hệ thống hạ tầng xanh, kinh nghiệm bảo vệ và phát
triển hệ thống hạ tầng xanh của Singapore, đồng thời, đưa ra một số đề xuất về mặt
chính sách giúp cho công tác quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị, trong đó, nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh.
Bạn đang xem tài liệu "Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh vấn đề cần quan tâm trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên
Tóm tắt nội dung tài liệu: Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh vấn đề cần quan tâm trong quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị
N. T. K. Vinh, D. T. T. Hương / Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh - vấn đề cần quan tâm BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG HẠ TẦNG XANH VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM TRONG QUY HOẠCH, THIẾT KẾ VÀ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ Nguyễn Thị Kiều Vinh, Doãn Thị Thuỳ Hương Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh Ngày nhận bài 27/02/2017, ngày nhận đăng 10/7/2017 Tóm tắt: Hệ thống hạ tầng xanh là hệ thống hỗ trợ tích cực nhất cho cuộc sống con người, đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển bền vững. Bài báo này giới thiệu chức năng và lợi ích quan trọng của hệ thống hạ tầng xanh, kinh nghiệm bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh của Singapore, đồng thời, đưa ra một số đề xuất về mặt chính sách giúp cho công tác quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh. NỘI DUNG Các nước có nền kinh tế phát triển xác định môi trường tự nhiên rất quan trọng đối với cuộc sống con người. Vì vậy, việc phát triển đô thị luôn hướng tới sự bền vững với nền tảng là hệ thống hạ tầng xanh. Các tài sản tự nhiên vốn có được xác định là yếu tố quan trọng trong hệ thống hỗ trợ cuộc sống con người, cần được bảo tồn và phát triển. Bên cạnh đó, các yếu tố hạ tầng nhân tạo cũng được “xanh hoá” bằng các biện pháp quy hoạch và thiết kế. Là một nước đang phát triển, ở Việt Nam hiện nay, công tác quy hoạch mở rộng đô thị, chỉnh trang các đô thị cũ, thiết kế xây dựng các khu đô thị mới đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Các quá trình đó chủ yếu quan tâm tới xây dựng hạ tầng nhân tạo của đô thị, chú ý đến môi trường, sinh thái, nhưng nhìn chung, chưa thực sự quan tâm tới hệ thống hạ tầng xanh. 1. Hệ thống hạ tầng xanh là gì? Hệ thống hạ tầng xanh (HTHTX) là mạng lưới quy hoạch kết nối của các không gian xanh đa chức năng góp phần bảo vệ môi trường sống tự nhiên và đa dạng sinh học, có khả năng đối phó với sự biến đổi của khí hậu và các sinh quyển khác, có khả năng tạo nên lối sống khỏe mạnh và bền vững, tăng cường phúc lợi cho cuộc sống đô thị, cải thiện sự tiếp cận của nghỉ ngơi giải trí với những tài sản xanh, hỗ trợ cho nền kinh tế đô thị và nông thôn, hỗ trợ tốt hơn cho việc quy hoạch và quản lý dài hạn hệ thống không gian và hành lang xanh 3. HTHTX bao gồm nhiều thành phần làm việc, tương tác với nhau để duy trì mạng lưới các quá trình của tự nhiên. Các thành phần đó được chia thành: - Các không gian mở: công viên lớn, rừng tự nhiên, rừng trồng, không gian mở tự do, các khu bảo tồn thiên nhiên, hồ ao, khu vực tự nhiên và di tích lịch sử đã được khoanh vùng bảo vệ, không gian công cộng và quảng trường, các vùng nông thôn có thể tiếp cận... - Các dải liên kết: hành lang kênh rạch và sông ngòi, đường mòn, đường đi bộ và xe đạp, hành lang xanh... Email: doanhuongdhv@gmail.com (D. T. T. Hương) 66 Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 46, Số 3A (2017), tr. 66-74 - Hệ thống các yếu tố “đô thị xanh”: các công viên nhỏ đơn lẻ, các khu vườn riêng, cây xanh đường phố, vườn trên tường và mái nhà, hệ thống thu và thấm nước mưa (vườn mưa, vỉa hè sinh thái, các dải đất trũng, các vùng đất ngập nước nhân tạo), các bề mặt lát cứng bằng vật liệu xốp và thấm nước (đường, vỉa hè, bãi đỗ xe...), thiết bị thu và lưu giữ nước mưa, thiết bị sử dụng ít năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo... 7. 2. Chức năng của hệ thống hạ tầng xanh Trong HTHTX, các khu vực sinh thái tự nhiên quan trọng nhất (rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước, sông hồ...) là những yếu tố nền tảng của nó, đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống tự nhiên hỗ trợ của vùng; chúng kết nối với nhau và đóng vai trò duy trì giá trị và chức năng của tổng thể hệ sinh thái. Ngoài ra, sự kết nối với các thành phần khác trong mạng lưới giúp cho HTHTX có thể thực hiện được nhiều chức năng khác nhau như: a/ Quản lý rủi ro về lũ lụt; b/ Cải thiện chất lượng nước; c/ Cải thiện chất lượng không khí; d/ Cải thiện chất lượng đất; e/ Bảo tồn đa dạng sinh học; g/ Bảo vệ cảnh quan; h/ Tạo hệ thống giao thông bền vững (các tuyến đường xanh); i/ Nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khoẻ và hạnh phúc cho con người; k/ Đổi mới đô thị và kinh tế thịnh vượng; l/ Bảo tồn đất và an toàn thực phẩm. Các chức năng của HTHTX được thể hiện qua sơ đồ dưới đây: Hình 1: Sơ đồ các chức năng của hệ thống hạ tầng xanh [6] Như vậy, HTHTX đã thể hiện tính đa chức năng của nó. Nghĩa là, nó có thể thực hiện cùng lúc nhiều chức năng hay hoạt động khác nhau trên cùng một khu vực; khu vực đó có thể là một không gian hay tuyến đơn lẻ. Tuy nhiên, các yếu tố này cần có sự kết nối với nhau trong tổng thể mạng lưới của hệ thống. 3. Lợi ích của hệ thống hạ tầng xanh HTHTX mang lại những lợi ích mà có thể chúng ta không nghĩ đến. Nước sạch chúng ta uống có thể được tự nhiên lọc qua rễ cây rừng; cây xanh trước và trong khuôn 67 N. T. K. Vinh, D. T. T. Hương / Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh - vấn đề cần quan tâm viên nhà đã cản bụi và độc hại, tạo nguồn không khí trong lành; thuốc để chữa bệnh có thể được làm từ thực vật hay hoa quả... Chúng ta cần phải nhận ra những lợi ích sâu xa của tự nhiên, của HTHTX, hiểu được những phương cách mà chúng ảnh hưởng tới sức khoẻ, môi trường, xã hội và nền kinh tế của con người. Các lợi ích của hệ thống hạ tầng xanh được thể hiện qua sơ đồ dưới đây: Hình 2: Sơ đồ các lợi ích của hệ thống hạ tầng xanh 3.1. Lợi ích về sức khoẻ con người - HTHTX làm tăng chất lượng không khí, giảm ô nhiễm, giảm nhiệt độ cơ bản của đô thị. - Hệ thống sông suối, mạch nước ngầm lọc và làm sạch nguồn nước. - Cung cấp lương thực, thực phẩm tươi, sạch, đảm bảo an toàn; giảm chi phí, tăng số lượng các khu vườn cộng đồng và thị trường nông sản. - Các không gian xanh làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, hồi phục sức khoẻ, tạo điều kiện tăng hoạt động thể chất làm giảm béo phì và các chứng bệnh khác; do đó, giảm tỷ lệ thăm khám... 3.2. Lợi ích về xã hội, cộng đồng - Kết nối con người với thiên nhiên, cảnh quan: luyện tập thể dục, thư giãn, nghỉ ngơi, giải trí... - Mạng lưới liên kết của HTHTX tạo cơ hội cho người dân có thể tham gia, sử dụng nhiều hơn các không gian cảnh quan. - Tạo môi trường giáo dục, tạo điều kiện cho trẻ em trải nghiệm và khám phá thiên nhiên. - Tăng chất lượng cuộc sống, giảm căng thẳng cho cộng đồng. - Tăng cường sự kết nối cộng đồng với nhau. - Gia tăng các không gian công cộng làm cho các hoạt động công cộng tăng lên. - Cây xanh, không gian xanh làm giảm các hành vi bạo lực và tội phạm... 3.3. Lợi ích về môi trường - HTHTX bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái, lưu trữ carbon, tăng nạp mạch nước ngầm, tăng hiệu quả trường nhìn. 68 Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 46, Số 3A (2017), tr. 66-74 - Giảm nguy cơ cháy rừng, lũ lụt và các tác động sinh thái khác. - Cải thiện nước xả, nước tràn của mưa bão. - Giảm chi phí vận chuyển và phát sinh khí thải... 3.4. Lợi ích về kinh tế - HTHTX tương ứng ảnh hưởng mạnh tới giá trị tài sản: tăng giá trị công trình trong khu vực, hỗ trợ thương mại và du lịch, hấp dẫn người dân và doanh nghiệp, tăng đầu tư kinh tế... - HTHTX sẽ thu hút người lao động với mức lương cao hơn: gần các khu vực tự nhiên, công viên sẽ nâng cao lợi nhuận; cải thiện thời gian rỗi bằng lĩnh vực dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... - Mạng lưới HTHTX sẽ cung cấp các dịch vụ môi trường, giảm chí phí: kiểm soát lũ lụt, quản lý nước mưa bão, giao thông vận tải và các hình thức xây dựng hạ tầng khác; sử dụng và tăng cường HTHTX hiện có sẽ giảm nhu cầu xây dựng và phát triển hạ tầng mới (nhà máy xử lý nước, hệ thống thoát nước...)... 4. Kinh nghiệm bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh của Singapore Singapore hiện nay là một quốc gia (và là thành phố) có mật độ dân cư đông nhất thế giới. Ban đầu, Singapore là một quốc đảo được bao phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sơ nhưng với sự khai thác và phá hoại, đến năm 1880 chỉ còn lại 7% diện tích rừng. Từ năm 1895, Singapore là một trong những khu vực thuộc địa Anh được đưa vào bảo tồn. Từ năm 1963, Singapore thực hiện công cuộc tái tạo để trở thành một thành phố xanh của thế giới. Năm 1991, Uỷ ban hành động vì thành phố xanh triển khai hệ thống mạng lưới kết nối toàn diện, xây dựng kế hoạch bao phủ hành lang xanh giữa các công viên, các khu vực tự nhiên cho tới các khu vực dân cư trên toàn bộ đảo quốc. Khi hoàn thành, hệ thống mạng lưới công viên và các kết nối công viên sẽ kéo dài khoảng 360 km, cho phép người dân khám phá thành phố thông qua một hệ thống mạng lưới xanh liên tục. Mạng lưới kết nối này giúp cho đường đi bộ, chạy bộ, xe đạp, patin dễ tiếp cận với các điểm đến phổ biến. Hệ thống không gian mở này tạo sự thuận tiện cho giao lưu, kết nối cộng đồng. Singapore đã ký Công ước quốc tế về đa dạng sinh học (CBD) trong Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất Rio năm 1992. Đây cũng chính là cái mốc mà chính phủ đưa ra kế hoạch xây dựng một đất nước Singapore xanh với kế hoạch quốc gia chi tiết 10 năm để xây dựng một môi trường bền vững cho các thế hệ tương lai. Hiện nay, khoảng 10% diện tích đất là công viên và khu bảo tồn thiên nhiên được pháp luật bảo vệ. Sự đa dạng tự nhiên ở Singapore bao gồm rừng nhiệt đới, rừng đầm lầy nước ngọt, rừng ngập mặn và rừng ven biển. Theo National Parks Singapore (Nparks), các cơ quan chính phủ có nhiệm vụ bảo tồn, tạo ra, duy trì và nâng cao HTHTX của đất nước; đã phát hiện 35 loài thực vật và động vật mới và có 7 loài tưởng là đã tuyệt chủng nhưng đã tái phát hiện trên đảo, tạo ra sự đa dạng sinh học của Singapore. Các yếu tố tự nhiên của Singapore được xác định qua bản đồ dưới đây: 69 N. T. K. Vinh, D. T. T. Hương / Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh - vấn đề cần quan tâm Hình 3: Bản đồ xác định các yếu tố tự nhiên Singapore nguồn: Internet Bằng ý chí chính trị mạnh mẽ và mồ hôi công sức của chính phủ cũng như người dân, hiện nay Singapore đã trở thành một thành phố xanh của thế giới. Để phát triển HTHTX, chiến lược của Singapore là tăng diện tích cây xanh với việc ưu tiên trồng những loại cây bản địa (cây Angsana, Rain Tree, Yellow Flame và Ketapang). Các loài cây hoa, cây bụi... được trồng khắp nơi để tô điểm và tạo màu sắc cho cảnh quan. Các đường phố lớn nhỏ đều được cung cấp mã số để đảm bảo rằng cây xanh được trồng đầy đủ. Khu vực lát đá hay thảm nhựa như bãi đỗ xe cũng được trồng cây để giảm nhiệt của các bề mặt đá, nhựa đường. Ngoài ra, kết cấu bê-tông như cầu vượt, cầu trên cao được phủ cây dây leo như Ficus pumila, cây leo núi, các thảm cây bụi, cây ghép nhằm tăng hiệu quả xanh, sạch, đẹp cho môi trường. Các công viên là “lá phổi xanh” của thành phố. Ở các khu vực dân cư ngoại thành, cây được trồng hai bên đường và người ta dành các khoảng đất để tạo các không gian mở. Hệ thống đường giao thông hay các không gian mở lớn nhỏ của thành phố luôn có các thảm thực vật nhằm tạo sự thấm nước và giữ ẩm cho đất, tránh hiện tượng nước tràn và ngập lụt. Việc mở rộng và phát triển hệ thống công viên được tăng cường nhằm thoả mãn nhu cầu vui chơi giải trí và đáp ứng tình trạng dân số ngày càng tăng. Phương pháp tiếp cận xanh của NParks là thông qua việc phủ xanh mái nhà và các mặt tường của tòa nhà để đảm bảo sử dụng đất tối ưu cũng như cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện nay, việc bổ sung yếu tố cây xanh phía trên mặt đất bằng các biện pháp này đang được phát triển bởi các dự án của cả chính phủ và tư nhân. NParks đang hướng tới mục tiêu làm cho Singapore là “Thành phố vườn của khu vực Đông Nam Á”. Việc tạo nên ba công viên màu xanh thiên đường ở các hải cảng Nam, Đông và Trung tâm thành phố với HTHTX nổi bật đang trở thành biểu tượng của Singapore. 70 Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 46, Số 3A (2017), tr. 66-74 Hình 4: Hệ thống hạ tầng xanh tại Singapore nguồn: Internet Như vậy, có thể thấy chiến lược của Singapore trong phát triển HTHTX là các chính sách của chính phủ nhằm: - Tăng diện tích cây xanh đô thị; - Trồng các loài cây bản địa; - Kích hoạt sự yêu thích sở hữu, đam mê mảng xanh của cộng đồng. Kết nối khối liên minh “3P” (public, private, people: nhà nước, tư nhân, cộng đồng); - Bảo vệ các khu bảo tồn thiên nhiên; - Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; - Xây dựng mạng lưới kết nối toàn diện các không gian xanh trên toàn bộ đảo quốc; - Hướng tới mục tiêu là “thành phố vườn của khu vực Đông Nam Á”. 5. Đề xuất một số chính sách nhằm bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh ở Việt Nam Do những đặc thù của điều kiện tự nhiên, Việt Nam có một tài sản xanh lớn, một hệ sinh thái, sinh học hết sức phong phú, đa dạng trên các vùng miền. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có quy hoạch HTHTX cho các đô thị, các thành phố và các vùng miền. Công tác quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị đang diễn ra mạnh mẽ nhưng vẫn chưa quan tâm tới việc bảo vệ và phát triển HTHTX. Để giải quyết tốt vấn đề này, cần có quy hoạch HTHTX trước quy hoạch phát triển đô thị. Để quy hoạch HTHTX trở thành quá trình thiết yếu, cần được đẩy mạnh bằng cách xác định và giải quyết những vấn đề sau: 71 N. T. K. Vinh, D. T. T. Hương / Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh - vấn đề cần quan tâm Hình 5. Sơ đồ mối quan hệ trong quy hoạch hệ thống hạ tầng xanh 5.1. Về chính sách chung - Thứ nhất, HTHTX cung cấp nền tảng cơ bản cho sự phát triển. Hơn nữa, cần phải có sự thừa nhận giá trị của HTHTX trên các lĩnh vực lợi ích về sinh thái, kinh tế và xã hội. Chỉ với sự thừa nhận đó thì mới có sự tiếp cận thích hợp cho việc quản lý sự phát triển của cảnh quan. - Thứ hai, HTHTX cần được đặt trong bối cảnh không gian, những sự khác nhau liên quan tới quy mô cảnh quan và sự thay đổi chức năng của nó; nghĩa là, mỗi cảnh quan là một sự pha trộn độc đáo về kích thước, thành phần và tiện ích. Việc am hiểu cơ chế làm việc chung và riêng của hệ thống này là quan trọng nên yếu tố không gian của HTHTX cần được hiểu rõ. Vì vậy, quy hoạch HTHTX cần được nhìn nhận là cơ cấu của sự kết hợp các ý tưởng về quy mô và sự biến đổi không gian thành một quá trình thống nhất để thích ứng với các khu vực và ý tưởng quy hoạch khác nhau. - Thứ ba, phát triển HTHTX cần yếu tố trọng tâm là sự hợp tác. Phần lớn các nghiên cứu về HTHTX được thực hiện cho đến nay đều nhấn mạnh đến mảng đối thoại giữa các nhà quy hoạch, các cơ quan chính quyền, các nhà đầu tư và công chúng. Sự cộng tác giữa các thành phần khác nhau thúc đẩy sự kết hợp giữa vai trò của chính sách và thực tế cũng như hỗ trợ vai trò cộng tác trong thực hiện. - Cuối cùng là giải pháp tạo nên các không gian tốt hơn, không nên xem HTHTX là giải pháp tức thời mà cần được nhìn nhận là yếu tố cho quá trình lâu dài. Với thiết kế hợp lý, phát triển cùng các yếu tố sinh thái, kinh tế và xã hội, HTHTX sẽ là thành phần 72 Trường Đại học Vinh Tạp chí khoa học, Tập 46, Số 3A (2017), tr. 66-74 có giá trị cho thành công của việc phục hồi cảnh quan. Do đó, HTHTX cần được xác định là thành phần quan trọng tương tự như các cơ sở hạ tầng khác. Như vậy, việc quy hoạch HTHTX cần được khuyến khích thực hiện ở các cấp độ chính quyền khác nhau, từ phạm vi nhỏ cho đến phạm vi lớn, bởi các yếu tố của HTHTX có mối quan hệ liên quan. Quá trình này sẽ phá vỡ những ranh giới về địa lý, hành chính và tinh thần của cảnh quan trong tâm trí của các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách. Vì vậy, nếu HTHTX được xem là cảnh quan đàn hồi hỗ trợ lợi ích cho hệ sinh thái, kinh tế và con người bởi việc duy trì tính tổng thể, thúc đẩy sự kết nối, thì chính sách cần phải phát triển nhằm đưa các ý tưởng vào thực tế. Nghiên cứu về HTHTX được xem là quá trình kết hợp giữa các chính sách và công tác quy hoạch thực tế nhằm hỗ trợ cho sự phát triển hợp lý của cảnh quan. 5.2. Về chính sách cụ thể - Xác định các yếu tố của HTHTX và những giá trị của chúng. - Xác định vị trí của các công trình và khu vực di tích lịch sử. - Xây dựng mạng lưới khung để bảo vệ sự kết nối hệ sinh thái thông qua hệ thống hành lang cho nghỉ ngơi giải trí và di cư của động vật, đồng thời tạo thành những không gian đệm của thành phố. - Kết hợp chặt chẽ các nguyên tắc của cảnh quan tự nhiên trên cả đất đai của nhà nước và tư nhân. - Thúc đẩy việc sử dụng các thoả thuận di sản và quyền bảo tồn trên vùng đất sở hữu tư nhân. - Xây dựng và hỗ trợ sự tín nhiệm về đất đai được quản lý bởi các tổ chức cộng đồng. - Thúc đẩy các chương trình “ủng hộ quy hoạch” để các nhà tài trợ ủng hộ cho các tổ chức bảo tồn. - Đưa ra mốc ranh giới và vành đai xanh nhằm kết nối và bảo vệ các không gian xanh. - Tăng cường ưu đãi cho các nhà đầu tư khuyến khích bảo vệ không gian xanh. - Chú ý đến sự phát triển của vùng đệm giữa đô thị và nông thôn. - Tăng cường yếu tố cây xanh đô thị bằng các biện pháp phủ xanh đường phố, mái nhà, tường nhà... - Giảm thiểu sự phân vùng trong quy hoạch nhằm sử dụng các tính năng tự nhiên trong kiểm soát nước mưa, bão lụt (như đất ngập nước, ao hồ...). - Giáo dục cộng đồng trong bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các yếu tố thuộc HTHTX. - Chú trọng điều kiện an ninh cho đô thị nhằm giảm thiểu việc xây dựng các loại tường rào cứng trên khuôn viên đất, tăng cường tường rào bằng cây xanh, để hở hoặc để trống, thuận lợi cho các quá trình tự nhiên và đa dạng sinh học. 6. Kết luận Với những chức năng và lợi ích quan trọng mà HTHTX mang lại cho con người và tự nhiên, có thể thấy rằng việc bảo vệ và phát triển HTHTX là rất cần thiết. Đặc biệt, việc thực hiện THHTX phải gắn với công tác quy hoạch, thiết kế và xây dựng đô thị, bởi đây là những hoạt động tác động nhiều tới tự nhiên. Bảo vệ các yếu tố nền tảng, đảm bảo 73 N. T. K. Vinh, D. T. T. Hương / Bảo vệ và phát triển hệ thống hạ tầng xanh - vấn đề cần quan tâm mạng lưới kết nối của hệ thống này và “xanh hoá” các yếu tố hạ tầng nhân tạo đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để có thể thực hiện vấn đề này, cần có quy hoạch HTHTX trước quy hoạch phát triển đô thị. Trên phạm vi cả nước, để quy hoạch HTHTX, cơ quan quản lý các cấp cùng các ngành liên quan cần đưa ra được các chính sách chung và cụ thể, từ đó áp dụng hợp lý cho từng khu vực, từng địa phương. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Benedict M. A., McMahon E. D., Green Infrastructure: Smart Conservation for the 21st Century, 2002. [2] Benedict M. A., McMahon E. D., Green Infrastructure: Linking Landscapes and Communities, Island Press, Washington, 2006. [3] Countryside Agency, Countryside In and Around Towns: The Green Infrastructure of Yorkshire and the Humber, Countryside Agency, Leeds, 2006. [4] TEP, Green Infrastructure for the Liverpool and Manchester City-regions, 2005. [5] TEP, Towards a Green Infrastructure Framework for Greater Manchester: Full Report, 2008. [6] TEP 2010, Next Steps towards a Green Infrastructure Framework for Greater Manchester, 2010. [7] Nguyễn Thị Kiều Vinh, Tìm hiểu khái niệm về hệ thống hạ tầng xanh, Tạp chí khoa học, Trường Đại học Vinh, tập 43, số 2A, 2014, tr. 85. [8] Williamson K. S., Growing with Green Infrastructure, Heritage Conservancy, Doylestown, PA, 2003. SUMMARY PROTECTION AND DEVELOPMENT OF GREEN INFRASTRUCTURE - AN ISSUE NEEDS TO BE CONSIDERED IN URBAN PLANNING, DESIGNING AND CONSTRUCTION Green infrastructure is one of the most positive support system for human life, which plays the essential role in sustainable development. This article introduces the important functions and benefits of green infrastructure, Singapore’s experience in the protection and the development of green infrastructure. A number of policy recommendations have been proposed for the urban planning, designing and construction, in which the protection and the development of green infrastructure are considered as important factors. 74
File đính kèm:
- bao_ve_va_phat_trien_he_thong_ha_tang_xanh_van_de_can_quan_t.pdf